"Bây giờ, khi nhìn lại cuộc đời đã qua của mình, thầy phải thừa nhận rằng những điều mình đã được học ở trường thực sự ra không phải là toàn những “bảo bối” - Lời chia sẻ chân thành của PGS Văn Như Cương trong lễ khai giảng khiến nhiều người xúc động.
Sáng nay 5/9, gần 20 triệu học sinh cả nước sẽ đồng loạt dự lễ khai giảng chào mừng năm học mới 2015-2016. Khác với mọi năm, lễ khai giảng năm nay được ấn định vào ngày 5/9 cho toàn bộ các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên cả nước. Lễ khai giảng năm nay cũng được chỉ đạo tổ chức trang trọng nhưng gọn nhẹ, hạn chế những phần rườm rà như những năm trước.
|
Học sinh trường Lương Thế Vinh xếp hình lá cờ tổ quốc. |
Tại Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhà trường đã chủ động không mời khách dự lễ khai giảng. Phần lễ của nhà trường hết sức ngắn gọn, trong đó có Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu khai giảng, đánh trống trường.
|
PGS Văn Như Cương Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh đánh trống khai giảng năm học mới. |
|
Bài phát biểu gây xúc động mạnh của thầy Văn Như Cương. |
Tại lễ khai giảng, sau khi đánh trống khai giảng năm học mới, PGS Văn Như Cương Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh đã có bài phát biểu thực sự xúc động dành cho các học sinh thân yêu.
Chúng tôi xin được trích nguyên văn bài phát biểu của PGS Văn Như Cương:
Các em thân mến!
Đã bao giờ các em suy nghĩ một cách nghiêm túc để trả lời đúng đắn cho một câu hỏi có vẻ tầm thường sau: “Hàng ngày chúng ta đến trường để học cái gì?”. Phần lớn các em đều nhanh chóng có câu trả lời: “Học những điều có trong sách vở, cụ thể nhất là trong sách giáo khoa”. Chính vì thế mà người ta hay nói: “Cắp sách đến trường”…
Thầy năm nay đã 79 tuổi, thầy cũng được “cắp sách đến trường” liên tục từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 rồi đại học, sau đại học, nghiên cứu sinh và lấy bằng Tiến sĩ… Và bây giờ, khi nhìn lại cuộc đời đã qua của mình, thầy phải thừa nhận rằng những điều mình đã được học ở trường thực sự ra không phải là toàn những “bảo bối” và cũng không phải những “cẩm nang kỳ diệu” giúp cho thầy bước vào cuộc sống đời thường, một thực tế rất sôi động, đầy cơ hội và cạm bẫy…, trong cái đúng, cái sai, thiện, cái ác nhiều khi khó phân định được rõ ràng. Bởi vì hồi bấy giờ, nhà trường chỉ truyền thụ những kiến thức thuần túy sách vở, ít gắn liền với đời sống xã hội ngoài nhà trường.
Cũng còn may là ở cái thuở thiếu thời ấy, thầy không chỉ chúi đầu vào sách vở, mà do hoàn cảnh gia đình, thầy còn phải làm nhiều việc khác nhau, ngẫm nghĩ những vấn đề khác nhau… Dẫu sao thầy vẫn ân hận và lấy làm tiếc cho cái thuở đến đến trường ấy đã không tranh thủ để học được nhiều hơn những bài học bổ ích không nằm trong chương trình và sách giáo khoa.
Bởi vậy với tư cách là một thầy giáo nhiều tuổi nghề và nhiều tuổi đời, thầy muốn nhắn nhủ với các em rằng “Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi”.
Nền giáo dục của chúng ta đang bắt đầu đổi mới theo xu hướng tiến bộ hơn, tích cực hơn, theo đó học sinh muốn thành đạt thì ngoài những kiến thức sách vở, họ còn phải thành thạo các kỹ năng xã hội, kỹ năng sống để phát triển toàn diện, họ cần phải được trang bị các giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất và những đạo đức tốt đẹp.
Trong những năm học vừa qua, rất nhiều em học sinh đã tham gia đội thanh niên tình nguyện để làm những công việc khác nhau, từ việc nhỏ đến việc lớn… Chẳng hạn, họ làm vệ sinh các phòng ốc, sơn mới các bức tường, sửa chữa nhà ăn… Qua đó, họ đã thu hoạch được những bài học quý giá cho mình: họ biết tìm hiểu công việc và hỗ trợ lẫn nhau, biết cải tiến kỹ năng lao động và biết sáng tạo trong lao động. Qua những công việc mang tính phục vụ cộng đồng như vậy, mỗi cá nhân cảm thấy gắn bó và hòa đồng với tập thể của mình hơn và thương yêu nhau hơn… Thầy nghĩ rằng những bài học như thế không có hoặc ít có trong các tiết học Toán, Lý, Tiếng Anh hay Sinh, Sử…
Bên cạnh những niềm vui, đôi lúc thầy vẫn thoáng gặp những hiện tượng đáng buồn. Đó là khi thầy trông thấy một em nào đó vô tư vứt rác không đúng chỗ, đó là khi trên mặt bàn mới toanh ai đó ngang nhiên viết, vẽ bậy, hoặc bôi bẩn bằng kẹo cao su… Những hành động, tuy hiếm hoi nhưng không thể nào chấp nhận được, phải nói thẳng đó là những hành động không tử tế. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường trước hết các em phải là những người tử tế, muốn vậy phải học tập, rèn luyện thường xuyên ngay trong thời gian cắp sách tới trường.
Các em thân mến!
Rồi đây, khi rời mái trường Lương Thế Vinh thân yêu, các em sẽ bước vào đời bởi nhiều con đường khác nhau, do chính mình lựa chọn, hoặc do hoàn cảnh đưa đẩy. Thầy mong rằng những điều đã học – theo nghĩa rộng của từ này – sẽ giúp các em vững vàng hơn trong cuộc sống. Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, những chính khách uyên bác…, nhưng trước hết những người tử tế biết yêu thương và căm giận, vì nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta… Đó là điều thầy mong chờ ở các em.
|
Thầy Văn Như Cương động viên em Lê Quôc Việt, lớp 10A0 trong ngày khai giảng. |
Ngay sau khi kết thúc bài phát biểu ngắn của mình, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với PGS Văn Như Cương trước thềm bắt đầu năm học mới.
|
Thầy Văn Như Cương cũng bày tỏ mong muốn cắt bớt những phần không cần thiết trong bài giảng mang tính hàn lâm quá và khác xa với thực tiễn.
|
- Thưa thầy, thầy có quan điểm như thế nào về việc tổ chức cùng lúc lễ khai giảng trong một ngày diễn ra trên cả nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo? Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thứ hai, chúng ta khai giảng là vì các em học sinh chứ không vì mục đích cho ai khác, cho nên ngày khai giảng không phải tranh thủ để diễn thuyết dài dòng mà học sinh không muốn nghe.
Chúng tôi luôn chủ trương lễ khai giảng rất ngắn gọn. Sau phần lễ 30 phút, học sinh sẽ có phần hội là lúc các em tự biên tự diễn để làm sao các em thấy vui và thiết thực nhất.
- Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra nhiều quyết sách trong đổi mới giáo dục, vậy năm nay trường mình sẽ đưa ra những kế hoạch nào để đảm bảo được việc thi tuyển như năm vừa qua?
Năm nay chúng ta vẫn dậy theo chương trình cũ và sách giáo khoa cũ, chúng tôi chỉ có mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cắt bớt những phần chúng tôi không cần thiết như tri thức hàn lâm quá hoặc tri thức không sát thực tế quá thì cắt bớt đi vì điều đó.
Sang năm cần chú ý nhất là việc thi tốt nghiệp THPT Quốc gia như đợt vừa qua, năm nay có nhiều vấn đề đặt ra. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhận trách nhiệm và những cái không lường trước được thì năm nay chúng ta phải thay đổi như thế nào, cải cách, đổi mới như thế nào để trong đợt thi năm 2016 diễn ra tốt đẹp.
- Trong năm học 2015 – 2016 trường đã có chuẩn bị gì để cho năm học mới?
Trường chúng tôi vẫn chủ trương trong năm học mới là dạy thật, học thật, không giả dối, không dạy lướt qua, không dạy thêm… Năm rồi trường đạt 100% học sinh đỗ tốt nghiệp và tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng rất cao.
- Thầy có muốn nhắn nhủ gì tới tất cả học sinh trong năm học mới?
Tôi xin gửi lời tới tất cả học sinh, giáo viên thực hiện một năm học mới thắng lợi, năm nay được xem là năm bản lề của công cuộc cải cách cơ bản nhất của nền giáo dục.
- Xin cảm ơn thầy!
>> Rộn ràng không khí “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”
>> Chùm ảnh: Niềm vui ngày khai trường
Theo Định Nguyễn (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)