Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã mạnh dạn thực hiện một kỹ thuật khó, hiếm được áp dụng trên thế giới đó là tiến hành chia gan của một người hiến tạng chết não để ghép cùng lúc cho 2 bệnh nhân. Người hiến là bệnh nhân nam 30 tuổi, bị chấn thương sọ não nặng.
Người nhận thứ nhất là bệnh nhân nhi 8 tuổi bị suy gan - hôn mê gan do xơ gan mất bù. Bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa đồng và teo đường mật bẩm sinh - một sự kết hợp giữa 2 bệnh lý hiếm và nặng và cần ghép gan cấp cứu. Bệnh nhân thứ hai là một người đàn ông 49 tuổi bị ung thư gan trên nền gan xơ.
Hiện tại, hậu phẫu ngày 6 sau ghép, hai bệnh nhân đã tự thở, tỉnh táo, các chức năng của gan mới đã hoạt động tốt và hòa hợp với người nhận.
Ca mổ kéo dài suốt 16 tiếng được bắt đầu từ 7h30 và kết thúc lúc 23h30 ngày 9/3, không chỉ lấy gan để ghép cho bệnh nhân mà còn cùng lúc lấy đa tạng để cứu sống nhiều người. Trong đó, một bệnh nhân ghép tim, 2 bệnh nhân ghép thận. Ngoài ra, các bác sĩ còn lấy các đoạn mạch máu để gửi vào Ngân hàng mô bảo quản để ghép cho các bệnh nhân khác.
Chia gan để ghép được thực hiện đầu tiên vào năm 1988 tại Mỹ. Ở thời kỳ đầu, kỹ thuật này chủ yếu chia cho 2 bệnh nhân nhận là người lớn, đến nay đã áp dụng cho trường hợp 1 người lớn và 1 trẻ em. Gan được chia ngay trong cơ thể lúc tim đang đập.
Kỹ thuật này cho phép thời gian sống của mảnh ghép tương đương với mô hình ghép toàn bộ từ người chết não hoặc từ người hiến sống.
Tuy nhiên, kỹ thuật này rất khó thực hiện bởi các bác sĩ không nắm được giải phẫu của gan người hiến trước khi chia, đồng thời cùng lúc phải thực hiện kỹ thuật ghép gan cho 2 bệnh nhân, đòi hỏi mỗi trung tâm y tế phải có 3 kíp kỹ thuật có thể ghép được gan và trong điều kiện cấp cứu.
Chính vì vậy, kỹ thuật chia gan để ghép hiện nay chưa phổ biến trên thế giới. Thậm chí, với Mỹ - quốc gia ghép gan nhiều nhất thế giới - số ca áp dụng kỹ thuật mới chỉ chiếm 1%. Còn tại châu Âu, tỷ lệ này là 6%. Một số trung tâm không tiến hành kỹ thuật chia gan do tính chất phức tạp.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện ca ghép gan cho người lớn đầu tiên tại nước ta vào năm 2007. 3 năm sau, bệnh viện tiếp tục thực hiện thành công ca ghép gan từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam.
Hiện tại, bệnh viện đã chủ động trong hầu hết kỹ thuật ghép gan như ghép toàn bộ từ người cho chết não, ghép gan bán phần từ người cho sống, giảm thể tích gan từ người cho chết não để ghép.
Tính tới nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện tổng số 62 ca ghép gan, chiếm trên 50% toàn bộ số ca ghép của cả nước.
Theo Hà Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)