Mới đây, MXH xôn xao với đoạn clip được ghi lại tại một phòng tẩm quất nhỏ. Trong clip, người phụ nữ ngồi gập chân, úp người về phía trước và đang được nhân viên thiện hiện bài trị liệu.
Sau động tác có phần mạnh của nhân viên, một tiếng "rắc" kêu to tới rợn người, sau đó người phụ nữ ngồi bật dậy kêu lớn: "Ối, anh ơi, cho em nằm xuống..." Lúc này, nam nhân viên run rẩy đỡ người phụ nữ nằm xuống giường và xem xét tình hình phần chân cho người phụ nữ.
Sau đó, người phụ nữ đau đớn nói nói tiếp: "Gãy xương rồi, gãy xương chân rồi, gọi bác sĩ cho em đi với, em đau quá".
Thông tin trên Infonet, BS Huỳnh Tấn Vũ – Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cũng cho biết, thời gian gần đây bỗng rộ lên trào lưu 'bẻ khớp', mạng xã hội TikTok xuất hiện tràn lan các video bẻ xương khớp trị đau, nhức mỏi cơ thể. Đủ tư thế kiểu nắn chỉnh xương khớp được "biểu diễn" bởi các TikToker xưng là "thầy thuốc online", "bác sĩ online".
Theo BS Vũ, việc bẻ xương khớp là phương pháp chữa trị dùng trong vật lý trị liệu, đây là cách chữa trị y học bằng tay giúp giảm đau và phục hồi chức năng vận động của con người.
Đây là hướng điều trị tích cực thường được đưa ra đầu tiên, trước khi các chuyên gia và bác sĩ hướng bệnh nhân đến điều trị nội khoa là dùng thuốc.
Trong nắn xương khớp, mối quan hệ giữa cấu trúc của xương sống và chức năng của hệ thần kinh được coi là chìa khóa để duy trì hoặc phục hồi sức khoẻ. Nếu các đốt sống bị sai lệch, sẽ tác động trực tiếp lên các dây thần kinh đi ngang qua nó, khiến các tín hiệu truyền dẫn qua các dây thần kinh cột sống bị rối loạn, gây đau nhức và các triệu chứng bệnh lý khác.
Khi nắn bẻ xương khớp xuất hiện các tiếng kêu rắc rắc phát ra là do sự dịch chuyển các khớp đi lệch ra khỏi hoặc trở về vị trí bình thường ban đầu của chúng nhưng không phải có tiếng kêu là đã hiệu quả những tiếng kêu này mang yếu tố tâm lý, bệnh nhân an tâm hơn.
Người bệnh có nhu cầu muốn điều trị theo vật lý trị liệu cần tìm người thực hiện là thầy thuốc được đào tạo và có chuyên môn, có kiến thức về các bệnh lý cơ xương khớp.
Thầy thuốc phải nắm bắt được tình trạng người bệnh, có chẩn đoán rõ ràng mới tiến hành điều trị. Khi thực hiện trị liệu phải nắm được biên độ vận động của khớp. Nắm được các trường hợp chỉ định và chống chỉ định, kỹ thuật được phép thực hiện tại mỗi vùng cơ thể.
BS Vũ cho biết, lạm dụng việc 'bẻ xương, nắn khớp' này có thể gây nguy hiểm. Hơn nữa, thầy thuốc không có chuyên môn, sẽ dễ gây hại cho cơ thể. Ví dụ như vùng cổ là vùng quan trọng và nguy hiểm.
Tại vùng cột sống cổ có những cơ quan rất quan trọng như tủy sống, các rễ thần kinh, các động mạch chính đi lên não. Thao tác mà gây chấn thương vùng cổ có thể gây yếu liệt tứ chi, có thể tổn thương mạch máu tạo thành cục máu đông đi vào não gây tai biến. Hoặc có thể gây căng cơ và đau nhiều hơn.
Lạm dụng việc nắn chỉnh quá nhiều có thể gây giãn dây chằng, bao khớp, làm mất vững các cấu trúc, tăng nguy cơ thoái hoá, chèn ép thần kinh.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)