Trường hợp dương tính là nam, 21 tuổi, từ Nga trở về Việt Nam vào ngày 10/8. Sau khi nhập cảnh, người này được chuyển cách ly tập trung tại Trung đoàn 125, thành phố Chí Linh, Hải Dương.
Trong thời gian cách ly, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2. Đến ngày 24/8, bệnh nhân được CDC Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm lần 2 gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Sáng 25/8, sau khi hết thời hạn cách ly 14 ngày, bệnh nhân được Trung đoàn 125 cho về nhà tại đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Trong ngày này, Viện Vệ Sinh Dịch tễ Trung ương báo cáo mẫu bệnh phẩm lấy ngày 24/8 của bệnh nhân cho kết quả dương tính.
Với trường hợp này, theo Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi chưa có kết quả lần cuối trước khi hết thời hạn cách ly 14 ngày mà đã cho bệnh nhân trở về cộng đồng là hơi vội vàng.
Thông thường sau khi nhiễm virus, thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài trong 5-7 ngày, khi hết thời gian ủ bệnh, người bệnh sẽ có dấu hiệu lâm sàng, có virus ở khu vực hầu họng và virus sẽ tồn tại ở đó trong 2-3 tuần, lấy mẫu trong thời gian này thì kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên, có những người ủ bệnh 17-24 ngày.
Về lý thuyết những người phải cách ly tập trung sẽ được xét nghiệm khoảng 2, 3 lần và khi trở về cộng đồng phải đảm bảo âm tính và đặc biệt người đó vẫn được khuyến cáo cách ly tại nhà tiếp tục 14 ngày tiếp theo.
Bác sĩ Khiêm cho biết theo chu kỳ, có thể những người cách ly tập trung lần đầu xét nghiệm âm tính do virus còn ở trạng thái ngủ và xét nghiệm PCR không lên được dương tính. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được cách ly và xét nghiệm lại. Độ nhạy, độ đặc hiệu của xét nghiệm Realtime PCR là rất ổn định, nhưng kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào thời điểm và cả kỹ thuật lấy mẫu.
Đối với bệnh nhân này chưa xác định được bệnh nhân lây từ Nga về hoặc lây trong khu cách ly. Bác sĩ Khiêm cho biết những người cách ly cùng phòng và gia đình người bệnh đều được coi là F1 và tiếp tục phải cách ly thêm 14 ngày.
HP (Nguoiduatin.vn)