Một bệnh nhân kêu trời vì không có bệnh nhưng vẫn được bác sĩ kê toa 6 loại thuốc có giá gần 700 nghìn đồng. Ảnh: N.D |
Sau đó, chị T. được vị này kê đơn với 5 loại thuốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh. Chị Võ Thị T.V, 40 tuổi ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cũng chung tình trạng. Ngày 11/12, chị V. thấy đau đầu nên lên đây thăm khám. Chị V. cũng được cho chụp X - quang xoang mũi.
Kết quả bình thường nhưng sau đó, chị V. được bác sĩ Hải chẩn đoán “viêm xoang cấp” và kê toa thuốc 5 loại trong đó có thuốc kháng sinh Cefonova 200mg. Chị Đỗ T.H. 41 tuổi ở Bến Tre cũng bất ngờ “bị bệnh” viêm xoang cấp dù kết quả chụp X- quang xoang đều bình thường. Ngoài kê toa có kháng sinh ra, bác sĩ Hải còn kê thêm 30 viên thuốc Pgisycap- dạng đông trùng hạ thảo.
Không chỉ ở bệnh nhân chụp X-quang xoang bình thường thành có bệnh, nhiều người khác có kết quả xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu bình thường đều bị phán “nhiễm trùng tiểu”. Chị Nguyễn Thị B.L, 42 tuổi ở quận 5, TPHCM có kết quả bình thường nhưng sau đó, kết quả ghi trong toa thuốc là “nhiễm trùng tiểu”.
Tình trạng biến không thành có diễn ra ở bệnh nhân Phan Th.X 59 tuổi, Trần Th.B, 70 tuổi, Nguyễn Th. A, 64 tuổi hay Nguyễn Th. Tr... Tất cả những người này đều có kết quả xét nghiệm bình thường, nằm trong chỉ số cho phép nhưng khi chẩn đoán để kê toa thuốc đều được bác sĩ Hải ghi “nhiễm trùng tiểu”. Trong các đơn thuốc mà bệnh nhân này mua đều có ít nhất một loại kháng sinh và cả thuốc đông trùng hạ thảo.
Bi hài hơn là bà Võ Thị H. 60 tuổi khi đến Khoa khám bệnh để khám, ngoài được chẩn đoán nhiễm trùng hô hấp cấp, còn được bác sĩ ở đây “dí” thêm bệnh: tăng sản tuyến tiền liệt dù bệnh này chỉ mắc ở nam giới.
Một nữ bệnh nhân “bị” chẩn đoán “tăng sản tuyến tiền liệt” và được kê toa thuốc. Ảnh: N.D |
Không chỉ kháng sinh, trong 23 ca khám ngày 5/9/2014, bác sĩ này kê 8 toa có thuốc đông trùng hạ thảo với giá gần 2,6 triệu đồng. Và những ngày trong năm 2014, số thuốc này vẫn dày đặc trong các toa thuốc được bác sĩ kê.
Theo điều tra của chúng tôi, bình quân một ngày tại riêng phòng khám của bác sĩ này số thuốc kháng sinh và thuốc đông trùng hạ thảo được kê toa gần 20 triệu đồng. Những thuốc này, theo các trình dược viên đều được chiết khấu hoa hồng từ 10-20%.
Không chỉ kê toa lạm dụng, tại Khoa Khám bệnh hàng loạt bệnh nhân được kê 2 toa thuốc, một toa thuốc do bảo hiểm y tế cấp (bệnh nhân chỉ trả 25-30%) và kèm một toa mua ở ngoài.
Các bác sĩ nơi đây cho biết, nhiều loại thuốc diện bảo hiểm y tế trong bệnh viện đều có nhưng không hiểu sao vẫn có bác sĩ kê toa để bệnh nhân ra mua ở nhà thuốc.
Ngày 15/12/2014, bệnh nhân Nguyễn T.Tr, 57 tuổi ở Phú Yên vào đây khám diện bảo hiểm y tế vượt tuyến, được bác sĩ Hải kê cho 2 toa thuốc gồm thuốc bảo hiểm y tế với 4 loại thuốc và một toa riêng để bệnh nhân mua ngoài.
Toa thuốc bảo hiểm y tế có 4 loại thuốc gồm: Concor 2,5mg, hoạt chất bisoprolo; Donox 30mg, tên hoạt chất Isosorbid; Lipotatin 20mg, hoạt chất Atorvastatin và Dogmatail. Cả 4 loại thuốc này đều kê 17 viên và ông Tr. chỉ trả 25%.
Trong khi đó, trong một đơn thuốc khác mua ở ngoài, bác sĩ kê 5 loại thuốc thì có 4 loại trùng hoạt chất và tác dụng như thuốc bảo hiểm y tế và để bệnh nhân mua ở nhà thuốc.
Một loại thuốc không trùng là bổ gan Esliver, trong khi thuốc này ở bảo hiểm y tế vẫn có để thay thế. Điều đáng nói là đơn thuốc bệnh nhân mua mỗi loại được kê 30-60 viên, với số tiền lên đến cả triệu đồng khiến bệnh nhân oằn vai mua thuốc.
Hay như bệnh nhân Nguyễn Đ.H, Nguyễn Th.H và Tân P.H. đều đến đây khám bảo hiểm y tế. Sau khám ngoài toa thuốc được lãnh theo bảo hiểm y tế, bác sĩ Hải còn kê toa mua thêm ngoài nhiều loại thuốc đông trùng hạ thảo và Esliver với số lượng hàng trăm viên.
Một bác sĩ công tác ở một bệnh viện công lớn tại TPHCM cho biết, là một bác sĩ khi các kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân không có bệnh mà kê thuốc là sai hoàn toàn, kê cả kháng sinh lại càng sai.
“Trong lĩnh vực y, ai cũng nắm Việt Nam là nước đầu bảng về lạm dụng kháng sinh và kháng thuốc cao. Vậy mà kê toa tràn lan, lạm dụng là không thể chấp nhận. Ở đây phải tìm hiểu xem, việc lạm kê toa như vậy là vì mục đích gì. Có vì bệnh của người bệnh không hay là vì hãng dược chi “hoa hồng”- bác sĩ này phân tích.
Một chuyên gia dược học tại TPHCM cho rằng, theo quy định của Bộ Y tế tất cả các toa thuốc đều được đưa ra hội đồng bệnh viện để “bình toa” xem kê thuốc có lạm dụng không? Bác sĩ kê toa theo tỷ lệ thuốc nội, thuốc ngoại như thế nào?
“Nếu lạm dụng kê toa nhiều loại thuốc kháng sinh, thuốc bổ đắt tiền trong khi bệnh không cần thiết không chỉ làm bệnh nhân mất tiền mà còn góp phần gia tăng tỷ lệ kháng thuốc cho người bệnh”- dược sĩ này phân tích.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo BV Nhân dân 115 cho biết chưa nắm vụ việc và sẽ làm việc với báo chí sau.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thừa nhận có tình trạng bác sĩ lạm dụng kê đơn thuốc tại nhiều bệnh viện. Trước tình trạng đó Bộ Y tế đã ban hành nhiều quy định để hạn chế điều này. Với những trường hợp bị nghi ngờ lạm dụng kê đơn thuốc đã có hội đồng bình thuốc, bình bệnh án, hội đồng khoa học của bệnh viện xem xét và đánh giá, xử lý theo quy chế của Bộ đã ban hành. Thái Hà |
Thuốc vào bảo hiểm y tế cũng có “hoa hồng” Một trình dược viên giới thiệu kháng sinh Cetamet 500mg, loại thuốc được bác sĩ ở Khoa Khám bệnh, BV 115 kê toa tràn lan cho biết giá một viên hơn 18 nghìn đồng. Một bác sĩ trao đổi với trình dược viên này về chiết khấu thì người giới thiệu thuốc nói thẳng: “hoa hồng” cho bác sĩ kê toa là 30%”. Khi tôi gọi điện trao đổi với một trình dược viên tên Vy, ở công ty dược Davi...có trụ sở ở tỉnh Bình Dương, hỏi về chiết khấu cho một trong số thuốc điều trị nội thần kinh, người này cho biết thuốc của công ty vào bệnh viện giá 8,9 nghìn viên. “Thuốc này một hộp 30 viên giá 267 ngàn đồng. Bên công ty em chiết khấu 10%, cuối tháng em tổng kết ở nhà thuốc và đầu tháng em gửi phí cho bác sĩ”- Vy nói. |