Đêm 8/10, ông V.T.G (44 tuổi, trú tại Yên Sơn, Tuyên Quang) được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội kèm trướng bụng, rơi vào tiền mê.
Theo người nhà, nam bệnh nhân thích uống rượu và tần suất gia tăng theo thời gian. Trước đó, ông G. từng viêm tụy cấp nhiều lần. Gần đây, người đàn ông này xuất hiện triệu chứng đau bụng, tình trạng ngày càng nặng nên người thân đưa tới bệnh viện.
Trao đổi với báo VietNamNet, bác sĩ Lương Minh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết ngay khi tiếp nhận người bệnh, ê-kíp trực đã nhanh chóng cấp cứu và tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Chỉ số cholesterol là 28 mmol/l, triglycerid là 68,14 mmol/l gấp 40 lần người bình thường (1,7mmol/l). Ông G. được chẩn đoán viêm tụy cấp, nguy cơ tử vong cao và cần phải hồi sức tích cực, lọc máu liên tục. Các bác sĩ không thể tin nổi các túi, xô chứa dịch lọc của người bệnh đều là mỡ tách ra.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, ông G. đã bình phục dần.
Theo bác sĩ Tuấn, biện pháp duy nhất giúp các bệnh nhân như trên thoát cửa tử là lọc máu liên tục. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng thành công và chi phí quả lọc rất tốn kém từ vài chục tới hàng trăm triệu đồng.
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của nhu mô tụy, bao gồm cả các thương tổn kèm theo ở nhiều mức độ khác nhau của các cơ quan lân cận, cũng như các biến chứng toàn thân. Nguyên nhân do rượu thường gặp nhất.
Biểu hiện chính của viêm tụy cấp là cơn đau bụng dữ dội, đột ngột xảy ra sau bữa ăn có nhiều dầu mỡ, rượu. Vị trí đau vùng bụng trên rốn, có khi phía trên bên phải hay bên trái. Cơn đau dữ dội, mức độ đau tăng dần sau 10-20 phút và có thể kéo dài nhiều giờ. Đau có thể lan ra sau lưng, tăng lên sau khi ăn.
Cơn đau giảm khi bệnh nhân nghiêng người về phía trước hoặc nằm co lại. Nằm ngửa, ho, cử động mạnh và thở sâu khiến cơn đau tăng lên. Đây chính là biểu hiện dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh lý khác như đau dạ dày, đau ruột thừa.
Các bác sĩ lo ngại nhất là tình trạng rối loạn mỡ máu ngày càng gia tăng không chỉ ở người béo mà cả người gầy, người ăn chay, trẻ nhỏ... Cứ 4 người ở Việt Nam có 1 người mắc bệnh máu nhiễm mỡ, trong đó tỷ lệ ở độ tuổi 35-44 là 41,7%.
Để phòng ngừa bệnh, người dân cần sử dụng rượu, bia trong mức độ cho phép; không hút thuốc lá. Ăn uống khoa học, vệ sinh với chế độ ăn nhạt để tránh bị sỏi mật. Hạn chế ăn đường và đồ ngọt; giảm tần suất ăn các thực phẩm đóng gói chứa đường. Người có bệnh rối loạn mỡ máu cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, sử dụng thuốc hạ mỡ máu đúng cách và vận động phù hợp.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)