‘Bác sĩ Hà Duy Thọ’ nói gì sau buổi làm việc với thanh tra sở?

16/11/2023 18:44:55

Ông Hà Duy Thọ cho biết đã bản thân sai khi không có giấy phép khám chữa bệnh. Tuy nhiên, ông khẳng định mình có 2 bằng cấp, một trong số đó là bằng y sĩ, chuyên ngành y dược học dân tộc

Nguồn tin của VietNamNet cho biết chiều 16/11, ông Hà Duy Thọ (ngụ tại TP.HCM) đã có buổi làm việc với Thanh tra Sở Y tế TP.HCM sau khi cơ quan chức năng phát hiện và kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh không phép của vợ chồng ông trên địa bàn quận Phú Nhuận.

Chiều cùng ngày, trao đổi với người tự xưng là "bác sĩ Hà Duy Thọ" qua điện thoại, ông Thọ cho biết hiện phòng khám tạm đóng cửa do không có giấy phép. Ông xác nhận mình có vi phạm như thông tin xôn xao những ngày vừa qua và phải chờ 2 tháng sau mới có thể xin cấp phép lại.

“Mình có vi phạm. Giấy phép hoạt động từ sau dịch Covid-19 đã hết hạn mà mình không để ý, còn chứng chỉ hành nghề của bà xã vẫn có”, ông Thọ trả lời. Vợ ông là bà Đặng Thị Tuyết Thu, có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh số 003365/HCM-CCHN do Sở Y tế TP.HCM cấp ngày 8/11/2012 (phạm vi hành nghề: khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền).

‘Bác sĩ Hà Duy Thọ’ nói gì sau buổi làm việc với thanh tra sở?
Trên nhiều clip, ông Thọ nói đã chữa khỏi ung thư nhờ ăn gạo lứt, uống nước tương. Ảnh chụp màn hình.

Khi được hỏi về việc báo chí đưa tin ông Thọ "không có chứng chỉ hành nghề, không phải bác sĩ", ông Thọ cho rằng: “Người ta nói gì thì kệ người ta, không liên quan đến mình. Chứng chỉ là của bà xã, mình có công ty riêng”. Ông cũng xác nhận chiều nay (16/11) đã lên làm việc với Sở Y tế TP.HCM. Tuy nhiên, ông chia sẻ lý do làm việc với cơ quan chức năng là “do các trang web đã ảnh hưởng đến đối thủ”.

Ông Thọ nhấn mạnh nhiều lần việc sai phạm vừa qua nằm ở giấy phép hoạt động. Sau khi nộp phạt và hoàn thành các thủ tục, ông sẽ làm hồ sơ để cấp phép trở lại và sẽ công bố. 

Khi được hỏi "bác sĩ khám bệnh vẫn được đúng không", ông Thọ cười trả lời: “Có ai cấm bác đâu nhưng khám bệnh phải có chứng chỉ hành nghề và giấy phép nữa, còn bác giờ chỉ kinh doanh thảo dược”.

Khi đề cập về việc trên mạng có thông tin giới thiệu ông Hà Duy Thọ là bác sĩ, từng làm việc ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức nên nhiều người bệnh tin tưởng, ông Thọ không phủ nhận mà chia sẻ: “Bác có 2 bằng. Một bằng ngày xưa từ thời năm 1980 có theo học 3 năm y dược học dân tộc, là y sĩ thôi”. Thông tin về bằng cấp thứ 2 thì ông không giải thích thêm và chủ động tắt máy.

Cũng trong sáng nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết cơ sở này đã tổ chức rà soát hồ sơ nhân sự của toàn viện trong nhiều năm và không thấy nhân sự Hà Duy Thọ thuộc bệnh viện, không có hồ sơ.

"Các thầy giáo, cô giáo, các bác sĩ công tác lâu năm và lãnh đạo đã về hưu của viện cũng không biết đến tên bác sĩ Hà Duy Thọ", đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói.

Trước đó, ngày 10/11, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất địa điểm khám chữa bệnh không phép của ông Hà Duy Thọ và bà Đặng Thị Tuyết Thu trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận.

Ông là người khá nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook và Tiktok, được biết đến với tên gọi "bác sĩ Hà Duy Thọ” cùng những clip tư vấn dinh dưỡng được cho là thiếu căn cứ khoa học.

Ở thời điểm kiểm tra, thanh tra Sở Y tế TP.HCM ghi nhận căn nhà của ông Thọ không treo biển hiệu nhưng vẫn mở cửa hoạt động, có người bệnh đến khám chữa bệnh, không niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh, không có sổ cập nhật, không có hồ sơ bệnh án ngoại trú của người bệnh. Ông Thọ không trình được bằng cấp và chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

‘Bác sĩ Hà Duy Thọ’ nói gì sau buổi làm việc với thanh tra sở? - 1

‘Bác sĩ Hà Duy Thọ’ nói gì sau buổi làm việc với thanh tra sở? - 2

Đoàn kiểm tra còn phát hiện có "Phiếu khấn nguyện trước khi ăn", phiếu phương pháp OHSAWA công thức số 6, công thức số 7 (phương pháp thực dưỡng) ghi thông tin “BS Hà Duy Thọ”; một số thực phẩm bổ sung, các chai dung dịch có nhãn hiệu "Dr Tho".

Một tài khoản Tiktok có tên "BS Hà Duy Thọ" đăng tải các thông tin y khoa như "uống sữa gây loãng xương; ăn gạo lứt muối mè, pha nước tương uống, sắn dây, ăn thực dưỡng chữa ung thư hay nước mắm ăn thừa sau 4 tiếng sẽ tạo ra chất gây ung thư".

Nhiều bác sĩ bày tỏ bức xúc trước những thông tin y khoa sai lệch trên vì có thể ảnh hưởng tiêu cực nếu người bệnh tin và làm theo.

Theo Linh Giao (VietNamNet)