Bác sĩ coi bệnh nhân như một người bạn
"Đến bây giờ là anh sống rồi. Anh có thể quay về cuộc sống bình thường. Anh là phi công, anh có nhớ anh đã hứa sẽ chở chúng tôi bay lượn trên bầu trời không. Anh cần phải cố gắng hơn, vận động nhiều hơn để có bước đi vững vàng".
Đó là những lời nói mừng vui của bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy dành cho phi công người Anh - bệnh nhân 91 vào sáng 22/6. Đây là thời điểm tròn một tháng phi công người Anh được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới qua Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, anh coi bệnh nhân phi công này thực sự như một người bạn. Và khi sức khỏe của bệnh nhân tiến triển kỳ diệu như có thể tự cạo râu, đánh răng, nhắn tin bằng điện thoại một cách tinh tế, anh là người mừng rỡ nhất.
Bác sĩ Linh nhớ như in thời khắc khuya ngày 26/5. Đó là thời điểm bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu tỉnh. Bác sĩ và điều dưỡng đưa mắt mừng nhìn nhau. "Thật sự đó là ánh sáng cuối đường hầm, là động lực rất lớn để anh em chúng tôi quyết tâm nỗ lực cứu chữa bệnh nhân"- bác sĩ Linh nhớ lại.
Đến ngày 2/6, bệnh nhân lần đầu tiên mỉm cười. Nụ cười rất đẹp. Bác sĩ Linh và cộng sự trút hết mệt nhọc.
Ngày 12/6, sau khi rút ống nội khí quản, phi công nói được những lời đầu tiên. Lời nói đầu tiên của bệnh nhân này khi tỉnh dậy sau 90 ngày tử sinh đó là "fantastic" (thật là kỳ diệu).
Nhớ lại những ngày điều trị cho bệnh nhân 91, bác sĩ Linh chia sẻ khi mới từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, phi công rất khó tính. Ban đầu bệnh nhân tỏ ra bướng bỉnh, không chịu ăn, cũng không muốn vận động, không chịu đánh răng và chơi điện thoại... quá nhiều. Và chỉ có bác sĩ Trần Thanh Linh mới có thể "trị" được bệnh nhân đặc biệt này.
Qua tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình bệnh nhân đặc biệt này, bác sĩ Linh biết được phi công không có người thân. Người bệnh không có bố và anh chị em, mẹ đã qua đời, anh chỉ có 1-2 người bạn thân.
Bác sĩ Linh đã phải thường xuyên túc trực, thủ thỉ nói chuyện và động viên anh bằng câu nói "be stronger" (mạnh mẽ lên).
Bên cạnh đó, bác sĩ Linh đã đồng hành cùng phi công như một người bạn. Sau khi được giải thích cụ thể, chân tình, bệnh nhân phi công cũng dần hiểu ra và hợp tác dễ dàng hơn. Hiện tại, bệnh nhân đã thoải mái hơn rất nhiều. Phi công đặc biệt "sợ" bác sĩ Linh và cũng tỏ ra yêu quý, gần gũi với vị bác sĩ này nhất. Anh cũng rất hợp tác khi cùng bác sĩ Linh mỗi sáng đi xe lăn ra ngoài phơi nắng.
Đặc biệt, bệnh nhân phi công còn chia sẻ về dự định trong tương lai của mình khi xuất viện là sẽ chở các y, bác sĩ đã chăm sóc cho mình trên chuyến bay do chính mình lái.
Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Linh, nếu như người châu Á ăn sáng tầm 5h, ăn trưa 11h và ăn tối lúc 19h thì bệnh nhân phi công ngủ tới 8h mới dậy, đánh răng rồi ăn sáng. Giờ ăn trưa của bệnh nhân là 14h và ăn tối lúc 20h và đi ngủ vào 21-22h.
"Chúng tôi túc trực bên cạnh phi công thời gian dài nên không xem anh ấy là bệnh nhân mà như một người thân. Đó cũng là cách trị liệu tâm lý cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân mau hồi phục", bác sĩ Linh nói.
Phi công thích ăn phở Việt Nam
Suốt từ ngày 22/5 đến hôm nay, cả tập thể y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải trải qua chuỗi ngày muôn vàn gian nan để cứu bệnh nhân, không còn khái niệm về thời gian. Trong đó, có 4 bác sĩ luân phiên túc trực 24/24h, 12 điều dưỡng thay ca chăm sóc bệnh nhân và lúc nào bệnh nhân cũng có hai điều dưỡng túc trực ngay bên cạnh theo dõi sát sao.
"Do bệnh nhân phi công người Anh hơi khó ăn nên điều dưỡng mỗi ngày phải hỏi bệnh nhân này hôm sau muốn ăn gì, ăn vào lúc nào… để chuẩn bị. Món ăn khoái khẩu của anh ấy là mì spaghetti, sườn cừu, … và đặc biệt là phở Việt Nam" - chị Lê Thị Hồng Thắm, điều dưỡng Khoa hồi sức cấp cứu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân 91 cho biết.
Cũng theo nữ điều dưỡng Thắm, khi phi công từ Bệnh viện Nhiệt đới sang Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân nặng 88kg. Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhân còn khoảng 80 kg. Do vậy, chị Thắm và đồng nghiệp cố gắng giúp bệnh nhân ăn nhiều hơn mau hồi phục.
Điều dưỡng Thắm cũng chia sẻ thật lòng là trước khi bệnh nhân tỉnh và biết giao tiếp, chị đã cố gắng học và ghi nhớ một số câu giao tiếp tiếng Anh cơ bản. Tuy nhiên, khi bệnh nhân được rút ống trợ thở và bắt đầu nói được, chị Thắm thật sự căng thẳng vì bệnh nhân nói tiếng Anh bằng giọng Scotland rất khó nghe nên giao tiếp hai bên hạn chế.
Ban đầu, phi công tỏ ra hơi khó chịu, tuy nhiên sau này khi có thời gian tiếp xúc và giao tiếp với điều dưỡng nhiều hơn, anh tỏ ra quý mến và dễ gần chị Thắm cùng mọi người.
Thậm chí, biết mọi người lo lắng cho sức khỏe của anh khi anh không chịu ăn, phi công nói lời xin lỗi và an ủi lại với điều dưỡng rằng, chỉ vì anh không cảm thấy đói nên không muốn ăn.
Còn kỹ thuật viên vật lý trị liệu và phục hồi chức năng Bệnh viện Chợ Rẫy Trần Đức Duy cho biết, anh tiếp cận điều trị với bệnh nhân từ ngày 1/6. Do bệnh nhân 91 nằm lâu nên tay chân, khớp, cơ của bệnh nhân yếu.
Mỗi khi nhân viên tập vật lý trị liệu vô tình mạnh tay là bệnh nhân than kêu, có lúc phi công buột miệng kêu luôn là "đau" bằng tiếng Việt. Do đó, nhân viên vật lý trị liệu luôn chú ý thao tác hết sức nhẹ nhàng với bệnh nhân.
Cũng theo điều dưỡng Đức Duy, bệnh nhân thuận tay trái, mới đầu bấm điện thoại tay run run và nói: "I just want to seat" (tôi muốn ngồi) nhưng dưới sự hỗ trợ tập luyện kiên trì, phi công đã tiến bộ nhanh chóng. Hiện tại, phi công người Anh có thể tự cạo râu, đánh răng, dùng bút viết, sử dụng điện thoại và iPad để đọc báo, nhắn tin. Sức cơ chân hồi phục tốt, bệnh nhân có thể co chân bình thường, tuy nhiên bệnh nhân cũng mới chỉ đi được vài bước dưới sự hỗ trợ của nhân viên vật lý trị liệu.
Có nhiều ngày bác sĩ căng thẳng suốt từ sáng đến đêm
Nhìn lại hành trình điều trị cho bệnh nhân 91, PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - người trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân cho biết, tình hình sức khỏe phi công hồi phục rất khả quan. Tuy nhiên, để có được thành quả này, các bác sĩ đã phải có những đêm thức trắng xem nên dùng thuốc nào và tiến hành thay màng ECMO để bệnh nhân không ngưng tim.
"Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi phải cân nhắc, chi li kỹ lưỡng để bệnh nhân không tử vong. Có nhiều ngày căng thẳng suốt từ sáng đến đêm. Mặc dù chúng tôi có chịu áp lực truyền thông nhưng làm việc dựa trên chuyên môn nên không để chịu ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao có thể điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, tận lực cứu sống bệnh nhân" - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay.
Được biết, trong 57 ngày, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thay 7 màng ECMO cho bệnh nhân 91. Đây được coi là trường hợp đặc biệt của y văn thế giới.
Cũng theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, từ một người hoàn toàn phục thuộc vào thở máy, phải dùng ECMO, lọc máu ngoài thận, hai phổi bị xơ hóa, đông đặc, phi công người Anh đã thoát khỏi án tử. Đây không phải là thành công của một ê kíp hay một bệnh viện mà là nhờ vào cả hệ thống chính quyền, quyết tâm của cả ngành y tế, các ban ngành.
Hiện tại bệnh nhân tiếp xúc và giao tiếp bằng lời nói tốt, bệnh nhân tự thở, kết quả CT scan ngực cho thấy 85% phổi bệnh nhân đã hồi phục, tình trạng nhiễm trùng đã hết, xét nghiệm sinh hóa các chức năng bình thường. Bệnh nhân không suy hô hấp, sức cơ tốt, tay có thể cầm nắm đồ dùng tự ăn.
Có thể nói bệnh nhân không cần nằm ở Khoa hồi sức cấp cứu và đủ tiêu chuẩn xuất khoa. Hiện bệnh nhân từ giai đoạn điều trị đã chuyển sang giai đoạn điều dưỡng, tập vật lý trị liệu… để trở về cuộc sống bình thường.
Tại buổi hội chẩn toàn quốc lần thứ 5 chiều 22/6, Bệnh viện Chợ Rẫy đã báo cáo tình hình bệnh nhân 91. Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, săn sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng. Bệnh nhân cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi thể trạng, đảm bảo an toàn khi di chuyển.
Theo Kim Vân (Giadinh.net.vn)