Mới đây, dư luận xôn xao trước những hình ảnh một cháu bé mất khi mới 5 tuổi được đăng tải trên mạng xã hội.
Theo chia sẻ của mẹ ruột và gia đình, trước đó bé bắt chước theo trò chơi thắt cổ đăng tải trên Youtube khiến đường thở bị tắt.
Khi gia đình phát hiện, bé đã bất tỉnh trong tư thế treo cổ và tử vong vào khoảng 18h tối 12/10 tại bệnh viện (BV).
Qua tìm hiểu, chúng tôi được phía BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) xác nhận bé tử vong sau khi được cấp cứu ít giờ ở đây. Cái chết của bệnh nhi khiến những người điều trị cho em đều cảm thấy đau lòng.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu của BV kể lại, vào ngày 12/10 khoa có tiếp nhận bé V.T.D. (5 tuổi, ngụ TP.HCM) được đội Cấp cứu 115 của BV quận Tân Phú đưa đến trong tình trạng đã ngưng thở, đang được đặt nội khí quản.
Theo gia đình cho biết, bé học theo trò thắt cổ từ một clip đăng tải trên Youtube.
Khi tiếp nhận, bé được bóp bóng qua nội khí quản, đã mê sâu, đồng tử giãn và tim đập rất yếu, tình trạng nguy kịch.
Các bác sĩ tích cực hồi sức cho bệnh nhi, cho thuốc vận mạch, trợ tim và cho bé thở máy, sử dụng mọi phương tiện tốt nhất hiện có nhằm cứu được bé.
Tuy nhiên vì thời gian ngưng tim ngưng thở kéo dài nên bệnh nhi đã tử vong sau 4 giờ cấp cứu tại đây.
Phía công an sau đó cũng đã đến BV để khám nghiệm tử thi, điều tra nguyên nhân sự việc.
"Đây là sự việc rất thương tâm và lần đầu tiên chúng tôi tiếp nhận một trẻ học theo trò thắt cổ dẫn đến hậu quả tử vong. Với người thầy thuốc khi đứng trước những trường hợp thế này, chúng tôi thật sự rất đau xót cho bệnh nhân và người nhà" – bác sĩ Phương nói.
Theo bác sĩ Phương, đến thời điểm hiện tại khi thời đại công nghệ lên ngôi, một đứa trẻ từ 2-3 tuổi trở lên đã có thể sử dụng những thiết bị điện tử như máy tính, ipad, điện thoại thông minh… để xem những phim, hình ảnh được tải trên các nền tảng sẵn có.
Phụ huynh cần phải cảnh giác và quản lý, kiểm soát để trẻ xem các nội dung phù hợp với lứa tuổi. Vì trẻ nhỏ chưa ý thức được, dễ bắt chước những hành động từ phim ảnh, chương trình xem được nên rất nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng.
Thứ hai, phụ huynh lúc nào cũng phải quan sát trẻ, để trẻ trong tầm tay, đặc biệt là những trẻ nhỏ để tránh những tai nạn xảy ra trong nhà như té ngã, nuốt dị vật, điện giật… Rất nhiều tai nạn rình rập nếu phụ huynh không lưu ý thì sẽ không bảo vệ an toàn được cho trẻ.
Nếu chẳng may có sự cố đến với trẻ, bác sĩ Phương chia sẻ phụ huynh cần trang bị kiến thức xử lý đúng để có thể cứu được trẻ.
"Với trường hợp trên, trẻ tự cột sợi dây trên một thanh giường tầng và sau đó sợi dây thắt cổ trẻ, làm cho trẻ tử vong.
Khi đã xảy ra tình huống như vậy, điều đầu tiên chúng ta phải đem trẻ rời khỏi hiện trường, cụ thể là sợi dây thòng lọng.
Nếu xác định trẻ tím tái, ngưng tim, ngưng thở thì phải tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức bằng cách hà hơi thổi ngạt, ấn tim ngoài lồng ngực để máu lên não liên tục.
Vì não của chúng ta nếu thiếu oxy, ngưng tim trên 4 phút sẽ bất đầu có tổn thương. Và trên 10 phút hầu như là tổn thương nặng nề, không hồi phục. Đó là thời gian vàng trong cấp cứu.
Trường hợp của bệnh nhi trên khi đến BV thì đồng tử đã giãn nhiều, chứng tỏ não tổn thương rất nặng nề. Cơ tim đập yếu, chứng tỏ đã bị tổn thương rất lâu và vì vậy không thể cứu được" – bác sĩ Phương phân tích.
Cũng theo bác sĩ, từ những sự cố thương tâm đã xảy ra cho thấy việc sơ cứu ngưng tim, ngưng thở cần được huấn luyện cho học sinh trên ghế nhà trường, ngay trẻ nhận thức được.
Song song với việc trang bị kỹ năng sơ cứu, phụ huynh cần nhanh chóng gọi tới cơ quan y tế gần nhất qua đầu số 115.
Hiện tại ở TP.HCM, hệ thống cứu thương 115 đã rải đều, điểm nào gần hiện trường nhất thì xe cứu thương sẽ được cử đến để ngay lập tức hỗ trợ cho nạn nhân.
Theo Hoàng Lê (Pháp luật và bạn đọc)