Sáng 27/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 242 F0 mới. Số ca bệnh này cao nhất từ trước đến nay, được khẳng định bằng xét nghiệm rRT-PCR trong 24 giờ qua.
Trong 157 cộng đồng, 58 trường hợp liên quan chuỗi lây nhiễm của 2 doanh nghiệp thủy sản là Tấn Khới và Châu Bá Thảo cùng thị xã Giá Rai.
TP Bạc Liêu có đến 54 F0 cộng đồng, huyện Vĩnh Lợi 3, Hòa Bình 7 và Đông Hải 35 ca.
Đối với 49 F0 tại các khu cách ly tập trung, 47 trường hợp liên quan 2 doanh nghiệp thủy sản. Hiện, Công ty Tấn Khởi bị phong tỏa, Công ty Châu Bá Thảo dừng sản xuất tại một dây chuyền.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Y tế Bạc Liêu quyết định cho bệnh viện đa khoa tỉnh này dừng tiếp nhận khám và điều trị nội trú các trường hợp bệnh lý nội khoa và ngoại tổng hợp (kể cả cấp cứu) từ 27/10.
Hiện, toàn tỉnh Bạc Liêu có 9 xã, phường vùng đỏ; 4 xã cùng cam, 51 xã, phường, thị trấn vùng vàng (không có vùng xanh). Tỉnh này cấp độ 2 của dịch Covid-19, 6 huyện, thành phố vùng vàng và một vùng cam là thị xã Giá Rai.
Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, Bạc Liêu ghi nhận 2.025 F0 (52 nhập cảnh). 656 ca nhiễm nCoV tại tỉnh này được điều trị khỏi bệnh. Số người đang điều trị là 1.355.
Hiện, tỷ lệ tiêm vaccine của tỉnh này còn thấp, mới đạt 55,55% mũi 1 (468.268 liều) và mũi 2 là 99.779 liều đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên. Theo Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu Bùi Quốc Nam, trong những tháng cuối năm, Bạc Liêu cần được phân bổ 300.000 liều để tiêm đủ 100% mũi 1 cho đối tượng được chỉ định và 600.000 liều mũi 2. Đối với người dưới 18 tuổi, tỉnh đã có kế hoạch nhưng chưa có vaccine để tiêm.
Trước đó vào chiều 26/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch với 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, nhìn chung, số ca mắc mới COVID-19 trên cả nước trong 2 tuần qua đã giảm 48% so với 2 tuần trước đó. Tuy nhiên, số ca mắc trong tuần qua tăng 14,4% so với tuần trước đó. Trong số 19 tỉnh, thành phố miền Đông, Tây Nam Bộ, so với tuần trước đó, từ ngày 19-25/10, có 17/19 địa phương ghi nhận ca mắc tăng trong cộng đồng; 2 địa phương ghi nhận số ca mắc giảm.
Tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số lượng ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, tuần qua, Thành phố ghi nhận số ca tăng nhẹ tại một số quận, huyện khi xét nghiệm nhanh các công nhân quay trở lại làm việc. Ngành y tế TPHCM đã tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh tại nơi ở của công nhân bị nhiễm, phát hiện sớm, phân loại, điều trị kịp thời người nhiễm.
Trong thời gian gần đây, các địa phương trên cả nước tăng cường hoạt động giám sát ca nhiễm từ những người về từ vùng dịch, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực phía nam. Từ ngày 7-25/10, theo thống kê sơ bộ có khoảng 381.000 người di chuyển về các tỉnh, đã lấy mẫu xét nghiệm cho 363.405 người, trong đó đã ghi nhận 6.222 trường hợp dương tính.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, tiếp tục tăng cường kiểm soát người từ nơi khác về. Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ TT&TT khẩn trương kết nối, liên thông dữ liệu để có thể xác định người đến từ tỉnh khác trước đó đã cư trú tại xã, phường có nguy cơ dịch cấp độ mấy.
Để bảo đảm đủ sinh phẩm xét nghiệm người từ nơi khác về, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phía Nam tổng hợp nhu cầu gửi Bộ Y tế cân đối, hỗ trợ khi cần thiết.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong 2 đến 3 tuần tới, các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực Tây Nam Bộ, tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 khẩn trương nhất, nhanh chóng bao phủ vắc xin mũi 1, tiếp tục tiêm mũi 2. Bộ Y tế phải bảo đảm đủ vắc xin cho những địa phương này.
HL (Nguoiduatin.vn)