Ba người bị ngộ độc sau khi ăn thịt chuột, uống rượu: Da môi nhợt, khó thở, suy hô hấp, sức khỏe diễn biến xấu

10/12/2021 13:42:39

Sau khi ăn thịt chuột, uống rượu, ba người ở xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn kèm đau đầu, chóng mặt, da môi nhợt, khó thở, suy hô hấp...

Trước đó ngày 4/12, A Gen (17 tuổi, trú tại thôn 5, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) và A Kiên (34 tuổi, trú thôn 10, xã Đăk Ruồng, H.Kon Rẫy) cùng nhau đi làm rẫy và bắt được khoảng 10 con chuột.

Đến tối hôm đó, 2 người đã về ăn uống tại nhà của chị dâu A Kiên là Y Khanh tại thôn 10 (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy). Sau đó, 2 người đã đem các con chuột bắt được ra nấu để mọi người cùng ăn.

Sau khi ăn uống, cả ba cùng xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn kèm đau đầu, chóng mặt, mệt nhiều, da môi nhợt, khó thở, phổi thông khí kém, suy hô hấp và được nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy, sau đó được chuyển đến theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tích cực điều trị cho các bệnh nhân và tiến hành lấy hai mẫu rượu trắng mà các bệnh nhân đã uống để gửi kiểm nghiệm; đối với mẫu thức ăn là thịt chuột đã hết nên không thể kiểm nghiệm.

Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã phối hợp với đoàn công tác Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên điều tra, truy tìm nguyên nhân gây ra ngộ độc.

Ba người bị ngộ độc sau khi ăn thịt chuột, uống rượu: Da môi nhợt, khó thở, suy hô hấp, sức khỏe diễn biến xấu
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. (Nguồn: PLO)

Theo bác sỹ Võ Văn Thiện - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum thông tin trên báo VOV, hiện cả 3 bệnh nhân đều phải thở máy, sức khỏe diễn biến xấu và vẫn đang được các y bác sỹ tích cực theo dõi điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện.

Trước đó, bệnh nhân đã được thay huyết tương nhưng diễn biến sức khỏe vẫn không khả quan. Qua chẩn đoán, các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum nhận định, bệnh nhân bị ngộ độc Botunilum. Độc tố của vi khuẩn làm yếu cơ, liệt cơ và có thể đã gắn lên tế bào thần kinh khiến bệnh chuyển biến nặng. Trong khi đó, hiện việc chữa trị cho các bệnh nhân chỉ tập trung vào điều trị triệu chứng chứ không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Hiện Sở Y tế tỉnh Kon Tum đang tiến hành điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ việc. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm, vận động mọi người dân thực hiện vệ sinh ăn, uống vệ sinh trong chế biến, bảo quản thức ăn.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật