Bà mẹ trẻ mong giữ quy định được nghỉ 60 phút

09/01/2017 15:36:00

Nuôi con nhỏ, các bà mẹ thường xuyên thiếu ngủ, nếu ép làm việc đủ giờ như người thường thì hiệu quả cũng không cao. 

Nuôi con nhỏ, các bà mẹ thường xuyên thiếu ngủ, nếu ép làm việc đủ giờ như người thường thì hiệu quả cũng không cao. 

Chị Quỳnh phân tích, con chủ yếu bú sữa mẹ. Đêm con bú 2-3 lần, sáng thêm một lần nữa rồi mới được chuyển giao cho bà ngoại để mẹ đi làm. "Hôm nào con ốm, khóc đêm nữa thì mẹ stress vô cùng. Đến cơ quan mà tâm trí tôi ở đâu đâu, chỉ muốn mau mau về nhà với con. Việc được đi muộn hoặc về sớm 60 phút mỗi ngày vì thế rất quý giá", chị nói.

nhieu-y-kien-de-nghi-giu-quy-dinh-lao-dong-nu-nuoi-con-nho-duoc-nghi-60-phut

Lao động trong các công ty may mặc chủ yếu là nữ. Ảnh minh họa: Ngọc Thành.

Thời gian này chị Lê Thị Hòa (26 tuổi, công nhân công ty dệt may ở Long Biên, Hà Nội) tăng ca liên tục để kịp đơn hàng giáp Tết. Về đến nhà, con gái chưa tròn một tuổi lại quấn, đòi bế nên nhiều lúc chị như bị rút kiệt sức, luôn thèm ngủ. "Phải thức đêm cho con bú thì được ngủ bù 15 phút cũng thấy hạnh phúc chứ đừng nói 60 phút", chị nói.

Theo chị Hòa, dù có quy định cho nghỉ 60 phút nhưng thực tế thời gian ấy nhiều khi bị công ty ăn bớt, tính vào giờ nghỉ trưa. Hết giờ nghỉ mọi người vào làm thì mình cũng phải làm. Công nhân biết nhưng đành chấp nhận vì không muốn ảnh hưởng tới đồng lương hoặc công việc.

Đại diện người lao động - Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng không đồng tình với đề xuất bỏ quy định nghỉ 60 phút. Theo ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban chính sách Tổng liên đoàn, việc nghỉ 60 phút mỗi ngày là thời gian dành cho con bú, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ cho đến khi trẻ 2 tuổi. Một số công ty còn có phòng vắt sữa cho nhân viên nữ nuôi con nhỏ. "Tôi không hiểu vì sao lại đề xuất bỏ quy định trên?", ông đặt câu hỏi.

Ông Điều không đồng tình với ý kiến bỏ quy định để đảm bảo sản xuất vì chế độ thai sản 6 tháng của Việt Nam khá cao, nhiều nước chỉ 4 tháng. Theo ông, chế độ thai sản ở nhiều nước tiên tiến có thể ngắn nhưng điều kiện làm việc, tiền lương của họ cao hơn Việt Nam. Dịch vụ chăm sóc bà mẹ trẻ em của họ cũng tốt hơn. Trước đây khi Luật lao động 2012 trình Quốc hội, chế độ thai sản cho lao động nữ được nâng từ 4 lên 6 tháng để bà mẹ có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, trẻ con tăng sức đề kháng, bớt bệnh tật, các thế hệ của người Việt khỏe mạnh hơn.

nhieu-y-kien-de-nghi-giu-quy-dinh-lao-dong-nu-nuoi-con-nho-duoc-nghi-60-phut-1

Khảo sát online của chúng tôi cho kết quả 16% đồng tình và 84% không đồng ý bỏ quy định cho lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày. 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP HCM, cho biết chưa nghe ý kiến thành viên hiệp hội đề xuất bỏ quy định trên. Ông nhận định việc cho lao động nữ nghỉ 60 phút là cần thiết, bởi nhiều đôi vợ chồng đều làm công nhân, không có nhiều thời gian chăm con nên đứa trẻ dễ bị ảnh hưởng lâu dài.

Việc công nhân nữ nghỉ 60 phút mỗi ngày, theo ông Hồng, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, cũng có nhiều doanh nghiệp muốn bỏ để không còn cảnh người này đi muộn hơn hoặc nghỉ giữa giờ trong khi người khác vẫn đang làm việc. Song trên thực tế điều này chấp nhận được. Khi lao động nghỉ thai sản, các doanh nghiệp đã tính toán phương án "trám" người vào để đảm bảo công việc thông suốt.

"Vấn đề là tăng năng suất, hiệu quả làm việc chứ không nhất định kéo dài thời gian làm. Tinh thần, sức khỏe công nhân cũng rất quan trọng. Nếu tăng ca thường xuyên, không cho họ có thời gian chăm sóc gia đình, con cái thì hiệu quả có khi còn ngược lại", ông nói.

Dự thảo Luật lao động sửa đổi do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội soạn thảo đề xuất bỏ quy định "Lao động nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động" (Khoản 5, Điều 155).

Ban soạn thảo cho hay, nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên bỏ quy định trên bởi việc sản xuất gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao. Nếu có quá nhiều quyền lợi cho lao động nữ khi thai sản thì doanh nghiệp khó bố trí kế hoạch sản xuất, đặc biệt là những ngành nghề như dệt may, da giầy...

Dự kiến, tháng 3 tới Chính phủ sẽ trình cơ quan thẩm tra Quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 4 trình Quốc hội dự án luật.

Theo Hoàng Phương (VnExpress.net)

Nổi bật