Sau gần một năm báo chí phản ánh sai phạm, tổ hợp công trình nhà hàng ăn, nghỉ Mã Pì Lèng Panorama cao 7 tầng nằm trên đèo Mã Pì Lèng đang được triển khai tháo dỡ, cải tạo thành nơi dừng chân cho du khách.
Chi phí tháo dỡ, cải tạo hết bao nhiêu?
Sáng 18/7, bà Vũ Ngọc Ánh (SN 1962, chủ công trình) cho biết, đang trực tiếp lái xe chở vật liệu xây dựng từ thành phố Hà Giang lên để phục vụ công việc tháo dỡ, cải tạo.
Bà từ chối tiết lộ về thiết kế cấu trúc mới của công trình, cũng xin không có ý kiến gì về chỉ đạo tháo dỡ từ chính quyền sở tại.
Bà Ánh cho biết, quá trình tháo dỡ gặp khá nhiều khó khăn, bởi vị trí này khan hiếm nước, phải thuê những người thợ có kinh nghiệm để không làm hỏng kết cấu công trình. Vì vậy mà tiền phí để trả công cho họ cao gấp đôi so với người lao động thường.
Về kinh phí cho công tác tháo dỡ, cải tạo này, bà chủ công trình cho biết, dự kiến rơi vào khoảng 1.250.000.000 đồng.
Bà Ánh khẳng định, việc ngày xưa bỏ ra số tiền hơn 10 tỷ đồng để xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ này không phải vì mục đích kinh tế.
"Nếu bỏ ra số tiền lớn như vậy để kiếm ăn thì không rồi, bởi vì tôi muốn làm gì đó cho đồng bào, xây dựng địa phương. Tôi có nhiều thời gian được gần gũi với đồng bào nơi đây nên muốn làm để góp phần tạo công ăn, việc làm giúp cuộc sống của họ bớt khổ", bà Ánh chia sẻ.
Bà chủ Panorama cho rằng, việc xây dựng tổ hợp nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê và đưa vào sử dụng khiến nhiều người biết được đã lên miền "khỉ ho, cò gáy" du lịch, ngắm cảnh. "Tôi sẽ gắn bó với mảnh đất này, sẽ làm lại mọi thứ để tiếp tục phát triển, cho người dân đỡ khổ", bà Ánh nói.
Việc cải tạo hoàn thành trong tháng 9/2020
Về thời gian hoàn thiện công trình, chủ đầu tư cho biết nếu như thời tiết ủng hộ và sự nỗ lực của bản thân sẽ cố gắng hoàn thành nó trong tháng 9/2020.
Trải qua những tháng ngày khốn khổ, bà Ánh nói chỉ muốn cảm ơn khách du lịch, đã có những vị khách đến bên ôm bà rồi họ an ủi "cố gắng lên chị ạ".
"Nhớ những ngày còn cấm không được mở cửa hoạt động, khách du lịch lên họ đặt vấn đề ‘em muốn uống cafe với chị’, tôi nói ‘không được, chị chưa được phép bán hàng’ thì họ nói ‘đây là tiền em ủng hộ chị, chứ không phải em "tip" cho chị’", bà kể.
Cho đến bây giờ, bà chủ công trình này nhận được khá nhiều tiền ủng hộ từ du khách, số tiền đó bà Ánh bảo vẫn giữ nguyên để làm kỷ niệm về sau. "Tôi biết ơn sự đồng cảm, sự cảm thông của du khách...vì họ mà tôi biết đường trở về nhà", bà nói.
Hồi tháng 10/2019, dư luận xã hội xôn xao khi phát hiện công trình 7 tầng đồ sộ "mọc" trên đèo Mã Pí Lèng (hay còn gọi là đèo Mã Pì Lèng) của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Sau khi báo chí phản ánh và bày tỏ lo ngại công trình này ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên, giá trị vật chất, văn hóa trong danh thắng Mã Pí Lèng, tỉnh Hà Giang đã lập tức vào cuộc kiểm tra, đề xuất giải pháp xử lý.
Kết quả kiểm tra thực tế của đoàn liên ngành cho biết, về thủ tục hồ sơ liên quan, bà Ánh chỉ cung cấp được 1 bản vẽ thiết kế chưa qua thẩm định, ngoài ra không có thêm một tài liệu nào khác. Riêng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện là đất trồng cây hàng năm khác, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.
Được biết, để hoàn thành tòa nhà này, bà Vũ Ngọc Ánh đã đầu tư trên 10 tỷ đồng.
Đến tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang đã chủ trì hội nghị tư vấn xin ý kiến về phương án cải tạo công trình "ầm ĩ" này.
Dự kiến sau vài tháng bắt đầu triển khai, việc phá dỡ, cải tạo tổ hợp nhà hàng này sẽ hoàn thành. Tòa nhà này sẽ được cải tạo thành điểm dừng chân theo hướng kiến trúc truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn, đảm bảo an toàn và xử lý rác thải theo quy định.
Tỉnh Hà Giang đã và sẽ không thỏa thuận bồi thường thiệt hại về tài sản đối với chủ đầu tư nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama.
Theo Hoàng An (Tổ Quốc)