Hai cây sưa ở chùa làng thôn Phụ Chính (Chương Mỹ, Hà Nội) có độ tuổi hơn trăm năm, cao hàng chục mét, đường kính hơn 1m và phải 2-3 người ôm mới xuể nhưng đang có biểu hiện chết khô một phần do quá già.
Người dân ở đây cho biết, vào khoảng năm 2010, khi giá gỗ sưa tăng chóng mặt, thậm chí gỗ sưa còn được ví ngang vàng ròng thì các một số chủ buôn đã định giá 2 gốc này ít nhất là 150 tỷ đồng. Trong đó, cây sưa lớn có giá khoảng 100 tỷ và cây nhỏ giá khoảng 50 tỷ.
Ông Nguyễn Xuân Ngợi (Hội người cao tuổi của thôn) cho hay, năm 2010, khi một số cành sưa ở gốc lớn bị gãy đổ vì mưa bão, các cụ trong thôn họp bàn với người dân khai thác thêm phần cành sưa già cỗi bán đấu giá lấy tiền sửa đình, chùa và các công trình khác.
Cây sưa nằm cạnh cổng chùa làng Phụ Chính. |
Ngày 13/9/2010, dân làng cúng làm lễ xin khai thác những phần gỗ mục ở 2 cành sưa, cộng với phần gãy đổ được 1,9 tấn.
Sau khi làm đầy đủ thủ tục, người dân thôn Phụ Chính xin ý kiến UBND xã và thông báo rộng rãi trong thời gian 1 tháng để bán đấu giá. Nhiều người buôn gỗ đã tham gia đấu giá và ông Dương Văn Thái (trú Đồng Kỵ, Bắc Ninh) trúng đấu 2,506 m3 với số tiền hơn 20,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi xe của ông Thái đi qua địa bàn xã Đồng Phú thì bị Công an huyện Chương Mỹ bắt và thu giữ toàn bộ số gỗ. Số tiền hơn 20,5 tỷ đồng mà lái buôn trả vào tài khoản ngân hàng được chia thành 11 sổ tiết kiệm cũng bị cơ quan chức năng phong tỏa cho đến hiện nay.
Các thanh sắt được hàn bảo vệ quanh thân cây gỗ sưa. |
Cũng theo ông Ngợi, chính vì giá trị quá lớn của hai gốc sưa và lần bán đấu giá với số tiền thu về hơn 20,5 tỷ trên mà ngôi làng vốn luôn bình yên này bắt đầu gặp không ít rắc rối, cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Liên tục những người lạ mặt, thậm chí xăm trổ đầy mình và các nhóm "sưa tặc" đã tìm đến thôn Phụ Chính, đêm ngày phục kích, chờ dân làng sơ hở để ra tay "chặt trộm" gỗ sưa.
Đến năm 2012, trong một cơn bão, lợi dụng nửa đêm, mưa to gió lớn, "sưa tặc" đã cắt cửa khóa cổng vào chùa và chặt 1 nhánh ở cây sưa lớn. Ngọn sưa bị cưa cụt lủn, dưới gốc chỉ còn mấy khúc gỗ nhỏ sót lại, bức tường xây bo xung quanh bị đập tan nát.
Từ sau sự việc đó, dân làng họp lại, thành lập ban bảo vệ và suốt 4 năm qua, cả làng đã thay phiên nhau trông giữ ngày đêm, bất kể nắng hay mưa.
Thậm chí, theo ông Trần Anh Tú, Tổ trưởng tổ bảo vệ 2 gốc gỗ sưa này, dịp cuối năm 2015, tối 30 Tết, khi được người dân thông báo là có một nhóm sưa tặc sẽ hoạt động thì cả tổ bảo vệ lại được tập hợp tuần tra.
Bên cạnh đó, hàng rào bảo vệ bằng bê tông xây trước đó cũng được thay thế bằng những thanh thép phi lớn hàn với nhau thành lồng, bao bọc toàn bộ thân cây.
"Trước đây, khi chưa mất thì không ai nghĩ đến bảo vệ nhưng đúng là mất bò với lo làm chuồng. Ngoài tổ bảo vệ thì chúng tôi cũng mua các cây thép phi 20 - 25 dài hàng chục mét về bẻ khum chuồng gà, hàn tứ bề xung quanh để các đối tượng không thể nào cắt cây sưa được", ông Tú nói.
Ngoài hàng rào sắt xoắn xung quanh hai gốc sưa cổ thụ này còn một lượt dây thép gai để không ai có thể trèo lên được.
Phần "giáp sắt" bao bọc quanh thân cây. |
"Muốn yên thân hãy dừng lại ngay..."
Cũng theo ông Ngợi, ngoài việc liên tục phải thay phiên nhau bảo vệ cây gỗ sưa trăm tỷ, vào thời gian cao điểm giải quyết các "lùm xùm" xung quanh số gỗ sưa bị công an bắt giữ được đem ra đấu giá và người buôn gỗ muốn lấy lại số tiền đã bỏ ra mua thì nỗi bất an trong làng lại càng lớn.
Đã không ít lần các đối tượng xã hội đen tìm về làng và đe dọa, chửi bới các cụ, dân làng. Thậm chí, ông Vũ Viết Binh, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) còn nhận được không ít lời đe dọa.
"Có đối tượng còn vứt giấy vào nhà tôi với nội dung là nếu ông muốn yên thì dừng ngay việc này lại. Sau khi nhận được giấy, tôi có ý kiến và công an hình sự đã về tận nơi lập biên bản và bảo tôi yên tâm, cơ quan chức năng sẽ bảo vệ", ông Binh kể lại.
Còn ông Trần Anh Tú cũng chia sẻ, vào thời gian cao điểm của vấn đề gỗ sưa, chuyện bị các đối tượng lạ mặt về đe dọa, thậm chí chửi bới là bình thường và dù có thế nào thì các mọi người vẫn cương quyết bảo vệ cây, bảo vệ lợi ích của làng.
"Có báu vật trong làng vừa tự hào nhưng đi kèm theo đó cũng là không ít bức xúc, trăn trở chưa biết đến khi nào mới giải quyết xong...", ông Nguyễn Xuân Ngợi nói thêm.
Trước đó, ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng thôn Phụ Chính cũng cho hay, sau vụ bị trộm chặt mất một phần gỗ sưa, lực lượng Công an xã Hòa Chính đã thắt chặt an ninh trong khu vực, điều tra số gỗ sưa bị mất trộm nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Theo Tổng Cục Kiểm lâm, 2 cây sưa trong khuôn viên chùa Phụ Chính có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain thuộc loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IA. Hai cây này có độ tuổi khoảng 127 - 132 năm.
Theo Hoàng Đan (Soha.vn/Trí thức trẻ)