Dù bận rộn với hàng chục đơn giao hàng mỗi ngày, anh Trần Đình Sơn vẫn sắp xếp công việc để trò chuyện cùng chúng tôi trong căn phòng trọ nhỏ khoảng 25m2, giá thuê hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Cánh tay trái của anh tê liệt hoàn toàn, không thể cử động sau sự cố năm 21 tuổi.
Thời điểm ấy hệt như một giấc mơ mà khi tỉnh dậy, từ một người bình thường, anh bỗng chốc mất hết tất cả. Và rồi sau này, bất cứ ai nếm phải thứ trải nghiệm đắng chát như anh, sẽ nhận ra một sự thật rằng điều mất mát chính là động lực lớn lao nhất của phát triển!
Tai nạn ập đến khi thanh xuân chỉ mới bắt đầu
21 tuổi, Trần Đình Sơn như bao thanh niên khác, tự do "vùng vẫy" trong sức trẻ của mình. Chính khoảnh khắc anh có được mọi thứ trong tay, lại như bị kẻ khác cướp mất chỉ sau một cú ngã. Năm 2007, anh gặp tai nạn nghiêm trọng trong lúc điều khiển xe máy trên đường. Cố gắng tránh ô tô, anh ngã xuống đường, phần thân bên phải va vào cột điện. Gần như dập nát hết.
Đôi chân của anh được cứu sau khoảng thời gian thăm khám tại Bệnh viện Quân khu 4 (thành phố Vinh, Nghệ An). Sau 1 - 2 tuần, tay phải dần mất cảm giác. Đến tuần thứ 3, hoàn toàn không còn cảm nhận được gì từ cánh tay ấy. Mọi biện pháp từ đông y tới tây y, anh đều cố gắng chạy chữa. Thậm chí, 2 mẹ con còn dắt díu nhau ra Hà Nội, vào bệnh viện Việt Đức. Sau 5 phút, bác sĩ chỉ kết luận vỏn vẹn một câu, chấm dứt sự đợi chờ nhiều ngày tháng qua: "Dây thần kinh bị đứt khỏi mạch chủ, không thể phẫu thuật được".
"Sốc thật!", anh Sơn nhớ lại, "Trên xe về quê mình khóc, mẹ cũng khóc theo. 2 mẹ con ôm nhau khóc. Mình nghĩ không còn gì nữa rồi, mất hết. Mình đang bình thường, thì bị đẩy xuống hố sâu mà không một ai có thể kéo lên".
Liên tục 2, 3 năm sau đó, anh chỉ nằm một chỗ, ở nhà, như một kẻ không còn tìm thấy ánh sáng giữa cuộc đời mịt mù. Những chán nản, buồn bã "lũ lượt" kéo đến. Hỏi anh có nghĩ tới điều tồi tệ nhất trong suốt thời gian ấy hay không, anh có chút ngậm ngùi.
"Mình có chán, nhưng không nghĩ là sẽ chết, vì mình không bao giờ quên được hình ảnh bố mẹ đưa mình đi khám. Mình phải cố gắng. Không cần gì những điều to tát, lớn lao, mình chỉ mong sống thật tốt, nỗ lực để người thân đỡ buồn".
Anh nhờ mẹ mua hộ một quyển vở và một chiếc bút, bắt đầu tập viết bằng tay trái. Anh có thể viết thành thạo, sau một tháng. Đến bây giờ khi nhớ lại, anh cũng không rõ thứ động lực vô hình nào thôi thúc anh làm thế.
Năm 2010, trải qua 3 năm học cách chấp nhận số phận, anh ra thành phố theo học trường khuyết tật, cho đỡ chán. Nhưng anh không ngờ đây lại là bước đệm tư tưởng cho bản thân. Anh gặp những người cùng hoàn cảnh, thậm chí có trường hợp còn khốn khổ hơn gấp trăm ngàn lần. Tuy khó khăn là thế, họ vẫn vượt qua được. Anh băn khoăn: "Tại sao họ làm được mà mình thì không? Tại sao mình lại không thử?". Từ ngày đó, trong đầu anh hình thành kế hoạch "đổi đời".
Năm 2011, được nhiều người bạn giới thiệu, anh Sơn ra Hà Nội theo đuổi bơi lội. Ở Hội thể thao khuyết tật Hà Nội, anh làm quen với những người bạn đồng cảnh ngộ. Huy chương đủ bộ vàng bạc đồng anh gửi về nhà, bố mẹ đem đi khoe khắp xóm đầy tự hào. Cuối cùng, hàng xóm cũng biết thanh niên Trần Đình Sơn vốn mang tiếng khuyết tật, đã có thể giúp bố mẹ "nở mày nở mặt". Thời điểm đó, anh vừa học bơi, vừa tìm một công việc tạm bợ duy trì tiền sinh hoạt. Được một thời gian, Sơn nhận thấy làm bảo vệ "kìm hãm" con người ưa khám phá trong anh. Thể thao là một phần đam mê, nhưng vẫn cần lắm một nghề nghiệp giúp anh duy trì sự năng động vốn có.
"Mình tự bảo phải thay đổi bản thân, cho nhiều điều tốt đẹp hơn ở phía trước".
1.300 đơn hàng giao bằng một tay
Trần Đình Sơn xin làm shipper công nghệ, sau nhiều đắn đo và đứng giữa những cân nhắc. Với người bình thường, tìm việc đã khó. Với người khuyết tật, điều ấy còn gian nan hơn gấp trăm ngàn lần. Công việc có phần mềm và ứng dụng riêng biệt giúp anh tự chủ thời gian và cuộc sống. Anh bảo, khi nào có đơn hàng phù hợp thì anh nhận, giao hàng vừa được ngắm đường phố, lại được thả lỏng đầu óc.
Khoảng 8h30 mỗi ngày, anh rời nhà cùng chiếc xe máy đặc biệt: tay ga và tay phanh đều nằm bên trái. "Chiếc xe không những là người bạn, nó là đôi chân của mình", anh Sơn nói, giọng đầy tự hào. Do được thiết kế "phá cách" để phù hợp với cánh tay còn lại của anh, nhiều lúc trên đường thỉnh thoảng đứt dây ga, anh ghé vào cửa tiệm sửa chữa. Nhưng rồi, vài ngày sau lại đứt. Sơn quyết định cất trong cốp xe một chiếc kìm, lúc nào đứt, anh dừng xe bên đường tự sửa.
"Chỉ còn một tay nên mình gặp nhiều hạn chế khi giao hàng. Mình phải đi cẩn thận, nhiều lúc xe cộ đông đúc cũng nguy hiểm. Mình nghĩ, tuy khiếm khuyết về cơ thể, nhưng công việc này không phải khó khăn đến nỗi mình không làm được".
Sơn kể, đây là chiếc xe máy thứ 2 anh tự mua. Chiếc đầu tiên, sau khi vào thăm bố ốm nặng, bị kẻ gian trộm mất. Mua chiếc mới, anh giữ gìn để phấn đấu làm việc. Mỗi tháng, anh dành một khoản tiền gửi về quê. Bố mẹ không nỡ tiêu, cất dành để sau này anh lập gia đình còn có vốn làm ăn.
Đền đáp lại sự cố gắng của anh Sơn, là kỷ lục hơn 1.300 đơn hàng giao bằng một tay cùng những tấm huy chương chiến thắng. Đầu đời, với anh Sơn, Hà Nội là vùng đất xa lạ và đơn côi, tuy có mất mát nhưng lại được bù đắp xứng đáng, dù anh chỉ có một cánh tay.
"Chẳng ai mong muốn mình đang bình thường bỗng khuyết tật. Khi mình mất tay, buồn chán chỉ là xúc cảm ban đầu, mình lần lượt trải qua từng khó khăn, sau cùng là vượt lên tất cả. Mình biết mình thiệt thòi, nhiều lúc cũng mong muốn được làm việc bằng cả 2 tay. Nhưng bây giờ, nhìn lại cả quãng đường dài, nếu không gặp nạn, có thể mình không được như hiện tại".
Ra Hà Nội, tính đến nay đã gần nửa năm anh Sơn chưa về nhà. Con cái dù có lớn lên, đi đâu, vẫn là con của bố mẹ. "Quê hương mà, không thể không nhớ được", anh nói, "bố mình thích giày thể thao, mẹ thì lúc nào cũng thế, bảo không cần mua gì".
"Nếu có một điều ước cho năm mới sắp tới, anh sẽ ước gì cho bản thân và gia đình?", chúng tôi hỏi.
Anh nghĩ hồi lâu, khẽ đáp: "Trước hết là sức khỏe cho bố mẹ. Còn với bản thân, mình sẽ không ước được bình thường, lành lặn trở lại. Đấy là điều xa vời. Mình chỉ mong được khỏe mạnh.
Dù có khuyết tật hay không, chỉ là gặp điều gì khó khăn trong cuộc sống, các bạn chỉ cần cố gắng. Tất nhiên lúc vượt qua rồi, người ta nói thế nào cũng được. Nhưng bạn cứ nghĩ, hôm nay mệt, mình có thể ngủ một giấc, mai cố gắng tiếp, đơn giản thế thôi! Động lực lớn nhất là người thân".
Xin mượn lời bố mẹ anh Trần Đình Sơn, bác Trần Đình Hòa (64 tuổi) và cô Nguyễn Thị Xuân (59 tuổi) thay cho lời kết.
"Con trai duy nhất của bố mẹ, vì con đã chiến đấu được bệnh tật, thì cũng sẽ chiến đấu được bản thân. Gắng lên con nhé!".
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)