Ngày 4/3, trên kênh Youtube tìm người thân có hơn 1 triệu người theo dõi, khán giả xúc động theo dõi hoàn cảnh của anh Chung - người đàn ông bị khờ, đi lạc nhà suốt 18 năm. Bà Huỳnh Thị Nghiệp - cư dân đang sinh sống ở Chợ Phường 6, thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) đã đăng ký tìm lại gia đình cho người đàn ông này. Bà Nghiệp có sạp hàng ở xóm chợ, thường cho anh Chung tá túc, ngủ nhờ.
Bà cho biết, cách đây gần 20 năm, bà đã thấy anh Chung đã xuất hiện ở xóm chợ này. Không ai rõ anh từ đâu tới, chỉ nghe loáng thoáng rằng Chung bước xuống từ một chiếc xe khách, dáng vẻ khù khờ, kém nhanh nhẹn. Người dân đó hỏi quê quán, họ tên bố mẹ, anh không nhớ, chỉ ú ớ nói một chữ “Chung”. Qua giọng nói, bà Nghiệp đoán rằng có thể thanh niên này tới từ các tỉnh miền Trung.
Anh Chung từ ngày đó cứ thế lang thang ở xóm chợ, được mọi người cưu mang, cho tiền, tặng đồ ăn và thu xếp chỗ ngủ tử tế.
“Nó chăm chỉ lắm, cứ 4 rưỡi sáng đi khắp chợ, dựng biển quảng cáo giúp tiểu thương. Tới 7 giờ ra bưng cà phê ở quán. Ai cho gì nhận đó, không biết xin tiền hay trộm cắp, lấy gì của ai bao giờ, thương lắm”, bà Nghiệp nói.
Những đêm nằm canh sạp hàng nhìn Chung nằm ở sạp kế bên, bà Nghiệp không đành lòng. Bà trộm nghĩ, nếu anh Chung chẳng may có chuyện gì, hằng đêm bà ngủ đây một mình cũng buồn lắm. Nhưng nếu bà chết trước, anh Chung sẽ bơ vơ, không còn chỗ dựa. Thế là bà quyết định tìm lại gia đình cho chàng khờ.
Sau khoảng 5 ngày đăng tải thông tin trên kênh Youtube, một người phụ nữ ở Đà Nẵng đã chủ động liên hệ, nghi ngờ anh Chung là người thân ruột thịt.
Bà Trần Thị Sốt (cô ruột) cho hay, gia đình ông Trần Công Bót (anh trai bà Sốt, 87 tuổi, trú thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) có một người con trai tên Trần Công Chung (SN 1980), đi lạc từ năm 2006. Anh Chung từ nhỏ mắc bệnh chậm phát triển, nói không rõ. 18 năm trước, Chung nói đi xuống nhà chị ruột chơi, không may đi lạc và mất tích từ đó tới nay.
Gia đình đã tìm kiếm anh Chung nhiều năm nhưng không có kết quả. Con trai mất tích, ông Bót buồn bã, ngày ngày nuôi hy vọng gặp lại. 10 năm trước, vợ ông Bót qua đời, ông sống một mình cô quạnh trong căn nhà vắng.
Khi tình cờ thấy video của tài khoản Youtube, bà Sốt đã giật mình, nhận thấy giống đứa cháu đã thất lạc. Bà vội nói người thân liên hệ, tìm hiểu sự tình.
Gia đình bà đã gửi hình ảnh của anh Chung cho Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM nhờ trợ giúp xác minh. Hôm sau, gia đình chị Thảo (chị gái ruột của anh Chung) cũng tức tốc lên đường vào Trà Vinh tìm em.
Ông Trần Hùng Phong, Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM cho biết, sau khi nhận được thông tin, ông đã lập tức cùng hai người nữa xuống miền Tây tìm gặp anh Chung.
Khi đến xóm chợ ở Phường 6, TP. Trà Vinh, hỏi anh Chung, bà con đều biết. Họ xem anh như người quen suốt bao năm qua, đợt dịch Covid-19 còn bảo lãnh cho anh Chung được tiêm vaccine.
Đưa ảnh của người thân ra, anh Chung - dù gặp nhiều khó khăn về giao tiếp vẫn nhận ra người cha thân thương. Khi thấy mọi người chỉ vào tấm ảnh hỏi “có nhớ cha không”, anh Chung gật đầu.
Chị Thảo - trong giây phút xúc động đã ôm chầm lấy người em trai thất lạc suốt bao năm. Nhận ra chị gái, anh Chung giữ chặt tay, đòi về nhà.
Vì anh Chung không có giấy tờ nên anh Trần Hùng Phong, Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM, đã đứng ra làm thủ tục bảo lãnh cho anh từ TPHCM đi máy bay về Đà Nẵng đoàn tụ với gia đình.
Hội đồng hương cũng làm sổ tiết kiệm 30 triệu đồng tặng anh Chung, anh em nhóm kết nối yêu thương Hòa Vang hỗ trợ tiền vé máy bay và chi phí cho gia đình trong những ngày vào đón anh Chung về nhà.
Chuyến bay “cổ tích” đã đưa anh Chung về trong vòng tay yêu thương của người cha già 87 tuổi, đang trông ngóng từng giờ. Bà Sốt - thay mặt anh trai đã rưng rưng gửi lời cảm ơn tới những người xa lạ ở xóm chợ đã nuôi nấng, chăm sóc Chung trong suốt thời gian anh lưu lạc tại đất Trà Vinh.
Theo Thùy Tiên (Nguoiduatin.vn)