Ngày 24/10, chính quyền, nhân dân phường Vũ Ninh (TP Bắc Ninh) và người thân trong gia đình đã tổ chức tang lễ Đại tá Hoàng Đăng Vinh - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một trong năm chiến sĩ đầu tiên tiến vào hầm chỉ huy bắt sống tướng De Castries trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trước đó, tối ngày 21/10, Đại tá Hoàng Đăng Vinh bị đột quỵ tại nhà riêng. Sau một ngày điều trị tại bệnh viện, ông qua đời vào hồi 7h30 sáng 22/10.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Đăng Vinh (sinh năm 1935), quê gốc ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Ông nhập ngũ năm 17 tuổi, là tân binh Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.
Cuối năm 1953, ông cùng đơn vị hành quân, tiến về Điện Biên Phủ.
Giai đoạn diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vinh là tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Đây là đơn vị lập công đầu tiên trong trận Him Lam, bắt sống tướng De Castries và bộ tham mưu địch.
Ông Vinh là một trong những người tham gia bắt sống Thiếu tướng De Castrires – chỉ huy các lực lượng Pháp tại Điện Biên Phủ.
Sau này, ông Vinh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hoàng Đăng Vinh tiếp tục cùng đồng đội tham gia kháng chiến chống Mỹ và trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng Bình, Vĩnh Linh và nước bạn Lào. Ông được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.
Năm 1990, ông Vinh về sinh sống tại Bắc Ninh và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội cựu chiến binh TP Bắc Ninh…
Trong cuốn “Điện Biên Phủ - 170 ngày đêm bị vây hãm”, tác giả Erwan Bergot (một trung úy tham chiến tại Điện Biên Phủ) đã mô tả những thời khắc trước khi đầu hàng của tướng De Castries: “Trong hầm chỉ huy trung tâm, các sĩ quan trong ban chỉ huy đều cảm thấy cay đắng vì thua trận.
Tướng De Castrires che đậy nỗi bối rối bằng cách chỉnh đốn trang phục, thắt lại chiếc khăn quàng nổi tiếng của kỵ binh…
Lúc này, bộ đội Việt Minh đang xông xáo khắp nơi, ống quần sắn cao đến gối, nhiều người đi chân đất, vui mừng hớn hở, tiểu liên báng cong đặt ngang sườn và gọi to đám lính bị bại trận bị bắt làm tù binh”.
Theo Xuân Ân (Tiền Phong)