Ngay từ sáng sớm nay (1.9), ông Vươn và em trai Đoàn Văn Quý đã đón tiếp nhiều hàng xóm tới thăm hỏi, động viên. Trở về sau hơn 3 năm 7 tháng trong tù, anh em ông Vươn quên cách dùng điện thoại, đi xe máy không vững và không nhớ tên nhiều người quen biết.
Tranh thủ buổi sáng 2 anh em ông Vươn đi thăm một vòng khu đầm ngoài đê. Đi trên con đường bê tông bé xíu, mọc đầy cỏ dại, ông Vươn cho biết phải mất nhiều ngày mới làm xong để tiện đi lại, nhất là khi chạy bão.
|
Bà Hiền, vợ ông Quý dậy sớm nấu ăn cho cả nhà |
Trên nền nhà cũ, giờ chỉ còn lại căn nhà nhỏ được các thành viên trong Chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng góp sức dựng nên trước Tết năm 2012. Căn nhà cạnh vạt rừng ngập mặn, phía ngoài kia là biển khơi, vợ con của ông Vươn vẫn đang ở đây. Dường như họ muốn sống gần với biển, với rừng sú, vẹt và cả vườn chuối mật xác xơ.
Mặc dù chỉ là những tấm bờ rô xi măng ghép tạm nhưng nó đã giúp vợ con ông Vươn, Quý tránh sương gió, bão bùng suốt hơn 3 năm qua ở nơi cửa biển heo hút.
Ông Vươn không khỏi xúc động khi nhìn vào một số mảng tường đổ, vẫn còn sót lại một vài dòng chữ của người dân ở Thanh Hà, Kim Thành (Hải Dương), Móng Cái, Tây Ka Long (Quảng Ninh)... ghi lại lúc về thăm, chia sẻ với gia đình ông.
|
Ngay từ sáng sớm đã có nhiều người tới thăm hỏi và uống chén rượu mừng với anh em ông Vươn |
Nhìn vườn chuối tiêu điều cạnh đầm tôm, anh em ông Vươn không khỏi xót xa “nhưng đành phải chấp nhận vì nhà thiếu đi người đàn ông, mọi lo toan đè nặng lên 2 người phụ nữ thì giữ được nhà cửa đã là tốt rồi”.
Ông Quý cho biết, vườn chuối mật trước đây đã từng mang lại cho gia đình khoản thu nhập để “lấy ngắn nuôi dài”. Những ngày sắp tới sẽ tập trung chăm sóc cho vườn chuối trù phú trở lại. Còn ông Vươn đã có ý tưởng nuôi lại đàn vịt đẻ và kiểm tra bờ đầm, dọn dẹp để phát triển thủy sản.
|
Ông Vươn gắp thức ăn cho mẹ trong bữa ăn tối đầu tiên tại gia đình ngay sau khi đặc xá |
Ngày anh em ông Vươn trở về, những đứa trẻ trong nhà không rời bố nửa bước. Bé Đoàn Hải Long, con ông Quý cười nụ: “Đêm qua được nằm bên cạnh bố ngủ thấy khác hơn”.
Ngay từ sáng sớm, bà Phạm Thị Hiền, vợ ông Quý đã dậy nấu bữa sáng cho mọi người. Bà cho biết thật sự hạnh phúc khi những sóng gió đã đi qua. “Suốt hơn 3 năm qua, chị em tôi không ngừng cố gắng, sống tốt hơn để cho người ta thấy rằng mình không gục ngã”, bà Hiền tâm sự.
|
Ông Vươn thắp hương cho con gái xấu số trong căn nhà cấp 4 ở ngoài đầm |
Cuộc sống ngày đầu sau vụ cưỡng chế, bà Hiền cùng bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Vươn lần mò trong vườn chuối rậm rạp để tìm những buồng chuối già cắt bán lấy tiền trang trải từng ngày. Bà Thương cho biết, những công việc nặng nhọc mà anh em ông Vươn trước đây vẫn hay làm giờ trở nên đơn giản với chị em bà.
“Thời gian đầu, lưới đánh cá loại lớn bị mất nên chị em tôi mua mấy tay lưới loại nhỏ bắt cá, tôm. Cứ hôm nào mưa bão đổ về là phải mặc áo phao đi kiểm tra một loạt bờ đầm xem có bị vỡ không, hay cống có bị nước cuốn trôi không. Nhiều lúc gió quật ngã nhưng lại lóp ngóp đứng lên đi tiếp”, bà Thương kể.
|
Ông Quý thắp hương cho bố. |
Tối qua ở nhà công vụ của Tổng đội TNXP, cách nhà cũ chừng 500m gia đình ông Vươn, ông Quý cùng họ hàng và một số bạn bè quây quần bên mâm cơm. Họ kể cho nhau nghe về những câu chuyện trong thời gian ở tù, ở nhà và dự định làm ăn.
Ông Vươn thi thoảng gắp thức ăn cho mẹ là bà Trần Thị Mạp, 84 tuổi ngồi cạnh. Bà Mạp chia sẻ: “Suốt hơn 3 năm 7 tháng qua bà mong ngóng tin con từng ngày. Từ hôm nghe tin 2 con trai được ra tù, tôi cảm thấy phấn chấn, khỏe hơn rất nhiều”.
|
Đứng nhìn khu chuồng lợn bị phá, ông Vươn xót xa cho biết nếu không có cưỡng chế thì đã xuất chuồng bao đàn lợn |
|
Anh em ông Vươn đi thuyền thăm nom một vòng đầm nuôi tôm |
|
Kiểm tra săm hứng cá ở cửa cống |
|
Vườn chuối trở nên tiêu điều trong thời gian anh em ông Vươn đi tù |
|
Ông Quý cho biết sẽ tập trung chăm sóc cho vườn chuối trù phú trở lại |
>> Làng xóm bắc rạp, bắn pháo đón ông Đoàn Văn Vươn
>> Ông Đoàn Văn Vươn mừng rỡ ngày ra tù