Cụ thể, sáng 31.8, tỉnh An Giang sẽ tiến hành xả đập Tha La và Trà Sư. Đây được xem như hành động khẩn cấp giảm áp lực nước cho vùng ngoài đê bao và đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu.
Theo ghi nhận tại hiện trường của PV báo Lao Động, trong 2 ngày nay, nước lũ đã tràn qua thân đập với tốc độ lớn do áp lực phía thượng lưu cao hơn bên trong từ 0,15 – 0,20m.
Cụ thể, hiện mực nước đo được bên ngoài đập Tha La là trên 3,95m và Trà Sư là trên 3,99m, trong khi cao trình đập được thiết kế 3,80m. Nhiều vùng cây trồng ngoài vùng đê bao bảo vệ an toàn của An Giang trong khu vực đầu nguồn Tứ giác Long Xuyên như TP. Châu Đốc Châu Đốc, huyện Tri Tôn, Tịnh Biên... đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì áp lực vỡ đập tạm trước áp lực nước lên nhanh, dòng chảy mạnh.
Chỉ riêng huyện Tri Tôn, có trên 2.000ha tại nhiều xã, huyện phải huy động toàn lực lượng quân, dân tại chỗ cùng nhiều phương tiện “trực chiến” tại các điểm xung yếu để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Theo ông Khường, trước đó Sở NNPTNT An Giang đã thông báo đến tỉnh Kiên Giang, Thành phố Cần Thơ lấy ý kiến xả lũ 2 đập Tha La, Trà Sư vào ngày 3.9.2018, nhưng với mực nước nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên lên nhanh, bất thường, buộc phải tiếp tục thống nhất lại với Kiên Giang về thời gian xả đập vào ngày 31.8, tức sớm hơn 3 ngày so dự kiến ban đầu.
“Nếu không xả lũ, với áp lực nước lớn như hiện nay, dễ gây ra sự cố cho thân đập với nhiều hệ lụy khó lường” – ông Khường cho biết thêm. “Qua làm việc, tỉnh Kiên Giang đã thống nhất về thời gian mở đập xả lũ là ngày 31.8. Sau khi xả lũ đập Tha Là và Trà Sư, mực nước trên kênh Vĩnh Tế sẽ được hạ thấp xuống, lúc đó các tuyến đê bao mới đảm bảo an toàn”.
Được biết, hiện vùng chịu áp lực lũ từ việc xả đập Tha La, Trà Sư của tỉnh Kiên Giang còn 40.000ha lúa chưa thu hoạch.
Theo Lục Tùng (Lao Động)