Tại xã Tân Tây, Thạnh Hóa (Long An), ông Huỳnh Tấn Khuê, Phó Chủ tịch UBND xã, khẳng định với phóng viên địa phương này luôn chỉ đạo cán bộ xã đi làm đúng giờ hành chính, sáng 7 giờ 30 đến 11 giờ 30 và chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, thực tế lại không phải vậy.
Cụ thể, sáng 22-1, theo quan sát của phóng viên, buổi sáng đã quá 7 giờ 30 nhưng một số cán bộ tại xã này vẫn chưa đến trụ sở. Buổi chiều cùng ngày, dù chưa đến 4 giờ chiều nhưng trụ sở xã này đã “cửa đóng, then cài”, nhiều người dân đến liên hệ làm giấy tờ đành phải ngậm ngùi ra về.
Chiều 23-1, phóng viên tiếp tục quay lại xã này, vẫn chưa được 4 giờ chiều dù cửa ngoài không đóng nhưng tất cả phòng ban từ phòng bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch đến văn phòng,… đều khóa kín. Một cán bộ trực bộ phận công an xã cho biết thông thường buổi chiều khoảng 4 giờ là cán bộ xã này đã nghỉ làm hết.
Khảo sát thêm tình hình tại một số xã của tỉnh Tiền Giang, tình trạng cán bộ làm không đúng giờ quy định diễn ra cũng không ít.
Cụ thể, tại xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành), chỉ mới hơn 4 giờ chiều nhưng tại trụ sở xã này không một bóng cán bộ, chỉ còn lại một số nhân viên tạp vụ đang rửa chén. Sau khi phát hiện phóng viên ghi hình, khoảng 15 phút sau, một nhân viên bộ phận một cửa mới hớt hải vào mở cửa phòng ngồi trực. Gần nửa tiếng sau, ông Phan Văn Dững, Phó Chủ tịch UBND xã, mới đến trụ sở tiếp phóng viên và cho biết: “Hôm nay xã nghỉ sớm do… có việc riêng”.
Tại xã Nhị Bình (huyện Châu Thành) ngày 20-1, chỉ mới hơn 4 giờ chiều nhưng trụ sở cũng vắng tanh, chỉ còn một cán bộ nữ đang chuẩn bị ra về cho biết: “Thường khoảng 4 giờ chiều là tụi em nghỉ làm, có gì mai anh liên hệ sau”.
Cùng ngày, tại trụ sở xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, chỉ hơn 3 giờ chiều nhưng phần lớn lãnh đạo xã đều vắng mặt. Đến khoảng 4 giờ, trụ sở công an xã và UBND xã đã khóa cửa im ỉm…
Ngày 13-1, hơn 4 giờ chiều là trụ sở UBND xã Tam Hiệp (Tiền Giang) cán bộ đã vắng hoe. Ảnh: HOÀNG NAM |
|
Ngày 22-1, UBND xã Tân Tây (Long An) “cửa đóng, then cài” khi chưa hết giờ làm việc. Ảnh: HOÀNG NAM |
Muốn gặp chủ tịch thì… đến nhà tìm
Tại xã vùng sâu Vĩnh Bửu (huyện Tân Hưng, Long An) ngày 23-1 (thứ Sáu), dù đã hơn 2 giờ chiều nhưng tại trụ sở UBND xã chỉ có một cán bộ văn phòng ngồi trực. Khi chúng tôi yêu cầu gặp lãnh đạo, nhân viên này hỏi: “Anh có việc gì gấp không, vì chủ tịch còn ở ngoài chợ chưa vô”. Chúng tôi yêu cầu đến cuối giờ chiều gặp chủ tịch, anh này cho biết: “Có gì anh liên hệ sau, thường khoảng 4 giờ chiều là xã nghỉ làm, với lại chiều hôm nay chủ tịch không vô xã”.
Cùng ngày, tại xã Vĩnh Châu A, Tân Hưng, hơn 2 giờ 30 nhưng trụ sở UBND vắng tanh ngoài một nữ nhân viên trực bộ phận quân sự. Khi chúng tôi hỏi giờ làm tại xã, nữ nhân viên này cho biết vẫn làm theo giờ hành chính nhưng hôm nay là cuối tuần nên: “Giờ này vẫn chưa thấy ai vô chắc là mấy chú nghỉ ở nhà hết rồi. Anh có cần chứng giấy tờ gì gấp thì cứ qua bên nhà bác Bảy (chủ tịch), nhà bác ở gần đây lắm” - nữ cán bộ giải thích.
Một người dân tại xã này cho biết: “Dân ở đây rành giờ giấc làm việc của mấy ông ở xã lắm, thường đa phần đến thứ Sáu là mấy ổng chỉ làm buổi sáng, buổi chiều chỉ làm lấy lệ nên tụi tui phải tranh thủ đến sớm làm giấy tờ, đến buổi chiều coi như công cốc!”
Sẽ thường xuyên “vi hành”
Ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Long An, cho biết mỗi năm tỉnh này đều mở nhiều đợt kiểm tra định kỳ lẫn đột xuất theo đường dây nóng của người dân phản ánh việc triển khai cải cách hành chính tại địa phương, nhất là những địa phương vùng sâu.
Trước đây tỉnh này cũng đã từng xử lý nhắc nhở hay thậm chí phải điều chuyển công tác đối với một số cán bộ quan liêu, hách dịch với dân hoặc không chấp hành đúng theo giờ giấc quy định.
“Bản thân tôi cũng đã nhiều lần đi kiểm tra đột xuất ở nhiều địa phương vùng sâu, trên thực tế có rất ít địa phương thực hiện đúng theo giờ giấc quy định. Có nhiều đợt kiểm tra bất ngờ, khi vào trụ sở liên hệ nhưng đóng vai người dân nên một số cán bộ lãnh đạo xã không biết và có thái độ chưa tốt trong ứng xử, cũng có nhiều cán bộ trong giờ làm lại bỏ đi cà phê lê la, đến khi dân cần phải chạy ra gọi rất phiền hà. Với những trường hợp mà báo chí lẫn thông tin từ người dân phản ánh, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra ngay, có thể hôm nay có thông tin là ngày mai chúng tôi đi liền. Sau đó chúng tôi sẽ có văn bản gửi UBND huyện yêu cầu xử lý ngay và có văn bản báo cáo về tỉnh. Sắp tới đây chúng tôi cũng sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất tại nhiều địa phương để hạn chế tình trạng cán bộ ứng xử chưa tốt hay ăn cắp giờ công gây phiền hà cho dân” - ông Thắng cho hay.