Mới đây, các bác sĩ Phòng khám Đa khoa Hùng Vương - Sơn Dương (Tuyên Quang) tiếp nhận nam bệnh nhân (25 tuổi) đến cấp cứu với biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, tức ngực, huyết áp tụt thấp.
Bác sĩ nhận định bệnh nhân đã bị sốc phản vệ và xử trí ngay bằng phác đồ chống sốc phản vệ. Tuy nhiên, theo Tuổi trẻ, sau 4 lần tiêm adrenaline (thuốc nằm trong phác đồ chống sốc của Bộ Y tế), bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt thấp kèm các biểu hiện khó thở, nổi ban...
Do tình trạng bệnh nhân không chuyển biến, các bác sĩ đã cho bệnh nhân truyền liên tục bằng bơm tiêm điện trong thời gian chuyển viện, báo động Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương sẵn sàng đón bệnh nhân.
Sau khi duy trì truyền tĩnh mạch liên tục, chỉ số huyết áp của bệnh nhân tạm ổn định và được di chuyển về Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương điều trị. Hiện tại, tình trạng sức khỏe nam thanh niên ổn định và tiếp tục theo dõi tại khoa Hồi sức.
Người nhà cho biết trước đó, bệnh nhân ăn tối với thịt trâu, thịt vịt, thịt chó và uống một cốc bia. Sau ăn, bệnh nhân ngứa lòng bàn tay, cảm thấy khó thở, đau đầu.
Theo các bác sĩ, bất cứ dị nguyên nào tiếp xúc với cơ thể đều có nguy cơ gây dị ứng, từ nhẹ tới nguy kịch. Sốc phản vệ được coi là tối cấp cứu, cần phải xử lý cấp cứu càng sớm càng tốt. Tác động của phản vệ lên cơ thể rất nhanh, gây phù nề, xuất tiết niêm mạc và co thắt cơ trơn dẫn đến trụy tim mạch, suy hô hấp… và rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Chỉ vài phút huyết áp tụt, mạch không bắt được mà không đưa mạch được trở về bình thường, bệnh nhân có nguy cơ ngừng tuần hoàn rồi tử vong, theo Vietnamnet.
Do đó, khi có bất kì dấu hiệu bất thường nào như mẩn ngứa, ban đỏ, phù mi mắt, môi, đau đầu chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau tức ngực, khó thở... đặc biệt các dấu hiệu này xuất hiện rầm rộ, sau dùng thuốc, ăn uống, tiếp xúc chạm, ngửi... người dân cần tới ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Theo Hiếu Nguyễn (Nguoiduatin.vn)