Nằm dưới chân núi Sài Khao là bản Poọng (còn gọi là bản Sài Khao, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Người dân ở bản chủ yếu là người đồng bào dân tộc Mông, lấy cuộc sống nương rẫy làm kế sinh nhai. Nhưng cuộc sống thanh bình ấy bị đảo lộn khi mà các đối tượng xấu và nhiều người trong bản chọn đây là địa điểm buôn bán cái chết trắng. Hệ lụy của nó khiến những người ở lại vẫn phải hàng ngày chống chọi và dần khỏa lấp nỗi đau.
Bà Hoàng Thị Khanh mất người thân vì ma túy. Ảnh: Hà Châu |
Nhiều năm trước, bản Poọng hoang tàn với những mái nhà xác sơ, tiêu điều vì ma túy. Những ngôi mộ liên tiếp mọc lên trong cảnh hoang lạnh của núi rừng. Nằm dưới mộ là những con người có tuổi đời còn rất trẻ và cả những đứa trẻ vô tội. Cuộc sống của dân bản ngày đó cũng vật vờ như những bóng ma vì thiếu cái ăn, vì bệnh tật hành hạ (HIV- do ma túy mang lại).
Ngày ấy, ấn tượng đầu tiên tại bản là những ngôi nhà trống tênh, xiêu vẹo trước mưa nắng, những cụ già khắc khổ, những góa phụ mất chồng ngồi thẫn thờ bên bậu cửa, những đứa trẻ gầy đói và cô đơn. Theo lãnh đạo xã Tam Chung thì người dân bản Poọng vốn giữ nhiều “kỷ lục”, nhiều cái nhất mà nghe qua không ai không giật mình: Bản nhiều người nghiện nhất, người nghiện chết nhiều nhất trong xã, đông thanh niên nghiện ngập nhất... Trong toàn xã Tam Chung thời đỉnh cao cơn bão ma túy có khoảng 80 người chết vì ma túy thì riêng Poọng đã chiếm đến 40 người.
Do địa hình hiểm trở gây khó khăn cho lực lượng phòng chống ma túy nên từ lâu bản Poọng được giới buôn bán “cái chết trắng” lựa chọn là nơi tập trung gom hàng để từ đó tìm cách phân phối ra các địa bàn lân cận. Thời điểm những năm 2007- 2009 là đỉnh cao của “cơn bão độc” này. Có ngày có đến 1-3 người trong bản “ra đi” vì sốc ma túy, vì AIDS. Có gia đình có tới 5 người chết vì ma túy, để lại những em nhỏ bơ vơ vì mất cha mẹ, người thân.
Gia đình nguyên Trưởng bản Vi Văn Thuận cũng tiêu điều giống như bao gia đình khác trong bản. Ông có 5 anh em trai, nhưng tất cả lần lượt lao vào vòng xoáy nghiện ngập. Giờ chỉ còn ông là trụ cột và cũng là thành viên duy nhất trong gia đình còn lành lặn sau cuộc đổ bộ của ma túy. “Bản thân khi còn làm trưởng bản cũng có chút hiểu biết, nhưng không thể làm gì để ngăn cái chết trắng đến với gia đình. Đau đớn lắm!”, ông Thuận nghẹn ngào
Những ngày này khi có mặt tại Sài Khao, chúng tôi đã chứng kiến vùng đất đau thương vì ma túy này đang dần thay da đổi thịt. 100 hộ gia đình, hơn 400 nhân khẩu bản Poọng đang dần hồi sinh sau cơn bão ma túy. Lãnh đạo xã Tam Chung cho biết, hiện nay bản Poọng chỉ còn 10 người nhiễm HIV/AIDS, không có trường hợp nhiễm mới. Ở bản đã có điểm trường để người dân trong bản cho con em theo học con chữ. Các gia đình trong bản đều cam kết không tham gia buôn bán, tàng trữ ma túy, tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình và từng bước thoát nghèo. Đó là một tín hiệu vui đối với vùng đất đã phải trải qua nỗi đau ma túy này.
Những khuôn mặt buồn ở Chiềng Khừa
Màu sắc của hoa anh túc từng tạo nên vẻ đẹp đầy ma mị ở Chiềng Khừa (Mộc Châu, Sơn La). Vẻ đẹp của loài hoa này trái ngược hẳn với những thân phận của những con người đã từng trồng nó. Hoa anh túc không còn ở Chiềng Khừa do có sự vào cuộc, triệt phá quyết liệt của cơ quan chức năng, nhưng nỗi đau do ma túy tàn phá vẫn gặm nhấm những thân phận của người dân nơi đây.
Chiềng Khừa có 9 bản với 5 dân tộc cùng chung sống, chủ yếu là người Mông và người Thái. Cả xã có trên 700 hộ dân nhưng quá nửa dính vào ma túy và phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp của nó. Nỗi đau vì ma túy hằn trên gương mặt những người phụ nữ Thái, Mông mất chồng mất con, nỗi đau cũng đè nặng những nóc nhà nơi đây.
Ngồi u buồn bên bếp lửa, chị Hà Thị Xiến (ở bản Khừa, xã Chiềng Khừa) kể về cuộc đời mình. Chị Xiến giờ chỉ còn một mình trong căn nhà lạnh tê tái vì mùa đông và cũng vì thiếu hơi người. Những người thân của chị lần lượt rời xa chị vì ma túy. Người phụ nữ bất hạnh này kể rằng, chồng chị là Lò Văn Thuôn (SN 1960) vốn từng làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Chiềng Khừa giai đoạn 1990 - 1995 của thế kỷ trước. Nhưng ông Thuôn đã nghiện ma túy hơn 15 năm nay. Chồng chị Xiến nghiện đã kéo theo hai người con trai nghiện và cuối cùng là tất cả người thân của chị đều chung một điểm đến là trại cai nghiện, bỏ lại một mình chị cô đơn với căn nhà không còn chút của nả do ma túy.
Cạnh nhà chị Xiến là nhà bà Hoàng Thị Khanh (SN 1967). Gọi là nhà nhưng thực tế chỗ bà Khanh ở chỉ là một túp lều xiêu vẹo, tường tre nứa ọp ẹp nhiều chỗ đã mục gãy. Nhà một gian hoang tàn vừa là chỗ nấu nướng, vừa là chỗ ngủ nghỉ của hai mẹ con, mấy tấm chăn màn cũ kỹ vứt lộn xộn ở góc nhà.
Gạt nước mắt lăn dài trên má, người phụ nữ đau khổ này cho biết, bà vốn có chồng và hai con trai nhưng đều dính vào ma túy. Con trai cả chết năm 2011 vì sốc thuốc. Con trai út sinh năm 1989 đã có hai vợ và một con gái 3 tuổi, nhưng đi cai nghiện tới mấy lần mà chưa bỏ được. Hỏi bà có mấy người con, mấy đứa cháu, bà cũng tính không ra, chỉ biết “chúng bị ma túy bắt đi hết rồi”. Chỉ về phía trước mặt có những ngôi nhà nằm lúp xúp dưới tán cây, xác xơ, bà Khanh bảo rằng đó là nhà của hai người em gái bà. Ở trong các ngôi nhà đó, các em rể của bà cũng ngập vào ma túy cả.
Bà Khanh nói: “Đứa em gái út vì chán chường nên cũng tìm đến ma túy. Chồng nó vừa mới chết vì ma túy chưa được bao lâu thì nó lại bị bắt đi cai, về được một thời gian rồi nhưng vẫn không từ bỏ được, suốt ngày nằm vật vã trong túp lều dột nát. Đứa con gái mới hơn 3 tuổi bị mẹ bỏ mặc, một mình tha thẩn hết chơi trong nhà lại lang thang ra đồi hái lá, bắt sâu một mình. Thỉnh thoảng các bác, các anh cho gì ăn nấy, lay lắt sống qua ngày”.
Ông Lò Văn Hương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khừa cho biết, hiện chính quyền địa phương đã và đang tiếp tục kiên trì tuyên truyền vận động người dân tránh xa ma túy bởi hậu họa nó gây ra cho mỗi gia đình, xã hội là khôn lường. |
Theo Hà Châu (Giadinh.net.vn)