Nằm ngay giữa trung tâm quận Ba Đình sầm uất nhưng bãi xe lậu chạy dài cả nghìn mét dọc phố Nguyên Hồng nhiều năm qua vẫn không hề bị xử lý. Cơ quan chức năng thì bảo “không có biển cấm thì vẫn được đỗ”!
Bỏ túi cả trăm triệu đồng mỗi tháng
Nhiều hộ dân sống dọc phố Nguyên Hồng đoạn từ đường La Thành đến Huỳnh Thúc Kháng cho biết rất bất bình trước tình trạng một nhóm người tự đứng ra lập bãi trông giữ xe ô tô ngay trên phần nắp cống hoá mương Nguyên Hồng rộng hàng nghìn mét vuông. Mặc dù nhà nước bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư cống hoá mương Nguyên Hồng nhưng thực tế khi con mương ô nhiễm được xoá đi thì người dân tại đây lại tiếp tục đối mặt với tình trạng mất an ninh trật tự, ô nhiễm từ bãi trông giữ xe tự phát.
Tại thời điểm 5 giờ chiều 9/3, theo ghi nhận của PV, tại đây đã có hàng trăm xe ô tô đỗ làm hai hàng chạy dọc phố Nguyên Hồng dài cả cây số. Thấy nhóm PV Tiền Phong dừng xe, một thanh niên chừng hai mươi tuổi cầm cuốn sổ ghi chép chạy ra chào mời đỗ xe. “Nhà em quản lý toàn bộ khu này. Anh đỗ xe 5 chỗ thì 1,2 triệu đồng/tháng. Có hợp đồng trông giữ. Số điện thoại của em là 098468…”, người thanh niên tự xưng tên là Tùng cho biết. Do nằm trong khu dân cư đông đúc nhất nhì thành phố nên buổi tối, bãi xe phố Nguyên Hồng thường chật kín. “Ngay từ khi con mương được cống hoá cách đây gần 5 năm đã hình thành bãi trông giữ xe ô tô này”, một người dân gần nhà E9 Thành Công cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Huy Toản, Chủ tịch UBND phường Thành Công thừa nhận tình trạng tồn tại của bãi trông giữ ô tô rất lớn trên tuyến phố Nguyên Hồng. Ông Toản cho hay: Quận cũng rất quan tâm, cũng cho đoàn kiểm tra liên ngành xác minh. Ở đây kể cả quận cũng chỉ đạo đội cảnh sát kinh tế hình sự vào để tìm ra ông nào hợp đồng thuê để xử lý. “Về phía phường cũng đã mời bên phường Láng Hạ sang để phối kết hợp, nhưng điều tra xác minh có cái khó ở chỗ là không có người đứng ra nhận trông và xe đỗ ở đấy, không có biển báo cấm thì xử lý kiểu gì?” , ông Toản nói.
Một đoạn bãi đỗ xe lậu trên phố Nguyên Hồng (phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Trường Phong. |
Nhan nhản các điểm đỗ “VIP”
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, mặc dù thành phố Hà Nội có chỉ đạo liên tục xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè nhưng tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình vẫn nhan nhản các điểm vi phạm quy định về đỗ xe. Đáng lưu ý là tại mặt tiền trụ sở nhiều ngân hàng, nhà hàng, khách sạn lớn vẫn tồn tại các điểm đỗ dành cho xe ô tô hạng sang. Điển hình như vỉa hè cửa khách sạn Green phố Trần Nhân Tông, cửa khách sạn Kuretakeso Thợ Nhuộm, cửa toà nhà số 4 Láng Hạ, cửa nhà hàng Queen Bee trên đường Láng Hạ, cửa hàng điện thoại tại số 11 Điện Biên Phủ, toà nhà HITC, toà nhà 101 Láng Hạ (quận Đống Đa); nhà hàng bia số 2A Láng Hạ. Trước cửa nhiều nhà hàng, khách sạn trên phố Bùi Thị Xuân, Tuệ Tĩnh, Triệu Việt Vương (quận Hai Bà Trưng) cả trăm xe ô tô hạng sang đỗ bất chấp chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.
Theo tài liệu xử lý vi phạm tại Ban 197, của liên ngành Công an - Tài chính - GTVT, trong hơn 1.100 điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố được thống kê hiện nay, có trên 300 điểm tự phát, không có phép. Có điểm liên ngành đã kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nhiều lần nhưng sau đó vẫn tiếp tục vi phạm. Trong đó có các điểm trông xe trước số 22 - 24 Liễu Giai, phường Cống Vị (quận Ba Đình); trước số nhà 39 Thái Phiên, số 310 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng); tại số 354A Lê Duẩn, phường Phương Liên (Đống Đa)…
Xe ô tô đỗ kín vỉa hè trước khách sạn Fortuna Hà Nội trên phố Láng Hạ (phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Trường Phong. |
Thậm chí liên ngành còn phát hiện một số điểm UBND phường tự đứng ra ký hợp đồng với cá nhân, tổ chức hoặc đưa các đơn vị trực thuộc phường đứng ra tổ chức kinh doanh trông giữ xe, coi đây là nguồn thu của phường. “Tất cả các điểm trông xe trên khi bị kiểm tra đều không có giấy phép kinh doanh, không thực hiện các quy định của thành phố trong hoạt động trông giữ phương tiện và không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước”, đại diện Ban 197 nêu thực tế.
Với một số điểm trông xe vi phạm còn có tình trạng cơ quan, đơn vị đứng ra xin giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để trông giữ phương tiện nhưng sau đó lại “bán lại” cho cá nhân, đơn vị trông xe bên ngoài để hưởng chênh lệch.
Theo Nhóm Phóng viên Thời sự (Tiền Phong)