Tuy nhiên, khảo sát hàng loạt bãi xe vi phạm tại các di tích, lễ hội đầu năm nay cho thấy, nhiều chủ bãi trông xe đã vi phạm nhiều lần nhưng họ vẫn được cấp phép, thậm chí được cấp phép “độc quyền”.
Có lợi là có loạn
Theo ghi nhận, công tác trông giữ xe trong 5 ngày Tết Nguyên đán đã được các sở ban, ngành thực hiện khá tốt, đặc biệt tại nhiều điểm di tích, đền chùa… đã tổ chức trông xe miễn phí cho nhân dân đến thăm, viếng.
Tuy nhiên, từ mùng 5 Tết đến nay, việc loạn giá và trông xe lậu tại nhiều khu vực đã thi nhau diễn ra, nhất là tại các khu di tích, địa điểm du xuân lớn như: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ), đền Quán Thánh (Ba Đình), Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Phúc Khánh (Đống Đa), Hồ Hoàn Kiếm (Hoàn Kiếm), chùa Hà (Cầu Giấy), Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng), bán đảo Linh Đàm (Hoàng Mai), Trung tâm thương mại Royal City (Thanh Xuân)…
Điều đặc biệt, từ trong Tết đến nay, các địa điểm trên đều có các đoàn kiểm tra của đơn ngành và liên ngành thành phố, nhưng những ngày qua tại đây vẫn xảy ra tình trạng trông xe không phép và “chặt chém” giá.
Đơn cử, trong các ngày 22 đến 23/3 điểm trông xe tại chùa Trấn Quốc đã có các đoàn kiểm tra của HĐND thành phố Hà Nội và Thanh tra Sở GTVT, tuy nhiên trong 2 ngày cuối tuần vừa qua người dân đến đây vẫn bị điểm trông xe này thu 5.000 đến 10.000 đồng/lượt xe máy, 50.000 đồng lượt/ôtô (đắt gần gấp đôi giá quy định của thành phố Hà Nội cho khu vực này), việc thu phí trông ôtô tại chùa Trấn Quốc không hề được ghi vé, sổ sách.
Tại Phủ Tây Hồ, từ ngày mùng 5 Tết đến nay, mặc dù giá trông ôtô theo niêm yết chỉ 25.000 đồng/lượt nhưng chủ các bãi trông xe ở đây là Công ty TNHH Dịch vụ và vận tải Huy Khánh (Công ty Huy Khánh) vẫn thu của khách 30.000 đồng (vượt 5.000 đồng/lượt). Trong chiều 25/2, ghi nhận tại đây, chúng tôi thấy rằng toàn bộ bãi trông ôtô rộng trên 1 hécta chật ních xe, mỗi một giờ đồng hồ, bãi xe có hàng trăm lượt xe ra vào.
Trước việc giá trông ôtô vào chùa cao gần gấp đôi quy định và không ghi vé, trụ trì chùa Trấn Quốc, hoà thượng Thích Thanh Nhã cho biết để phục vụ khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh lễ Phật, nhà chùa đã đứng ra đề nghị quận Tây Hồ cho phép nhà chùa trông xe không kinh doanh thu lợi.
Tuy nhiên, khi việc này được giao cho tổ bảo vệ quản lý bãi xe đã xảy ra sự việc trên. Cùng với yêu cầu tổ bảo vệ phải chấn chỉnh, nếu không sẽ dừng công việc, hoà thượng Thích Thanh Nhã cũng cho rằng, khi nhà chùa tổ chức trông miễn phí thì không sao, “nhưng khi uỷ thác cho tổ bảo vệ là có chuyện, cứ cái gì có lợi là có loan”, hòa thượng Thích Thanh Nhã nói.
Vi phạm nhiều vẫn được cấp phép trông xe
Qua kiểm tra công tác trông giữ xe tại nhiều địa điểm, đặc biệt là các khu di tích, địa điểm du Xuân trên địa bàn Hà Nội, các tổ công tác liên ngành và HĐND thành phố Hà Nội nhận định, các đơn vị này đều sử dụng sai diện tích được cấp phép và “chặt chém” giá.
Tại bãi gửi xe ở Phủ Tây Hồ, qua các buổi kiểm tra, một số đoàn kiểm tra liên ngành ghi nhận, Công ty Huy Khánh sử dụng vượt diện tích cấp phép và thu giá cao hơn quy định. Điều đặc biệt, để có thể thu được 30.000 đồng/lượt ôtô của khách (vượt quy định 5.000 đồng), Công ty Huy Khánh đã cho nhân viên dùng vé trông xe trên 10 chỗ và xe tải trên 2 tấn để phát cho khách đi xe dưới 9 chỗ.
Tại buổi kiểm tra sáng 22/2, đại diện đoàn công tác của HĐND thành phố Hà Nội còn thông tin, không chỉ năm nay Công ty Huy Khánh mới vi phạm về giá trông xe tại Phủ Tây Hồ, mà một năm trước (đầu năm 2017), kiểm tra tại đây, đoàn công tác của HĐND thành phố cũng phát hiện việc này và đã có ý kiến với lãnh đạo quận Tây Hồ.
Thậm chí, trong buổi kiểm tra sáng 23/2 đại diện tổ công tác của Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hà Nội) còn cho biết các năm trước TTGT từng lập biên bản 3 lần về việc Công ty Huy Khánh vi phạm trông giữ xe tại Phủ Tây Hồ.
Vi phạm là vậy nhưng không hiểu sao đơn vị này vẫn liên tục được cấp phép trông ôtô, xe máy tại đây(?!) Riêng dịp đầu Xuân 2018, thay vì có từ 2 đến 3 đơn vị cùng trông phương tiện như các năm trước, năm nay UBND quận Tây Hồ chỉ cấp phép duy nhất cho Công ty Huy Khánh được trông ôtô, xe máy ở cả bãi chính (chứa hàng nghìn ôtô, xe máy) và các tuyến đường dẫn vào Phủ Tây Hồ.
Thậm chí trong bản giấy phép số 202, được ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ ký cấp cho Công ty Huy Khánh còn không nói rõ diện tích đơn vị này được phép trông trên đường là bao nhiêu, chỉ nói chung chung: “Chấp thuận về nguyên tắc việc Công ty Huy Khánh được đỗ ôtô tạm thời tại hè đường ngõ 50 đường Đặng Thanh Mai để giảm ùn tắc giao thông khu vực Phủ Tây Hồ”. Dư luận đang đặt câu hỏi, ai đứng sau chống lưng mà Công ty Huy Khánh hết lần này đến lần khác vi phạm vẫn được ưu ái cấp phép trông giữ xe trên địa bàn quận Tây Hồ?
Trước các vi phạm được nêu trên, theo đề nghị của đại diện báo Tiền Phong, sáng 26/2 Sở Tài chính, Sở GTVT Hà Nội, Công an thành phố đã bố trí tổ công tác liên ngành đi kiểm tra một số bãi trông xe vi phạm được báo phản ánh những ngày qua.
Tại Phủ Tây Hồ, đoàn công tác liên ngành Hà Nội do ông Phạm Văn Đồng, đại diện Sở Tài chính Hà Nội làm tổ trưởng tiếp tục phát hiện, bãi trông xe ôtô do Công ty Huy Khánh quản lý đã phát vé trông xe có mệnh giá 30.000 đồng/lượt cho ôtô 7 chỗ, trong khi vé ghi giá này cho xe trên 10 chỗ. Đoàn công tác lập biên bản vi phạm và truy thu thuế toàn bộ số lượng ôtô dưới 9 chỗ đang đỗ tại bãi với tổng số tiền gần 50 triệu đồng.
Đại diện Công ty Huy Khánh đã thừa nhận vi phạm và ký vào biên bản cam kết không tái phạm. Tại chùa Trấn Quốc, với hành vi thu giá cao và không phát vé trông ôtô cho khách, cá nhân ông Đặng Văn Thảo (trú tại ngõ 76 phố An Dương) phụ trách bãi xe bị phạt tổng cộng trên 22 triệu đồng và ký biên bản không tái phạm.
Theo Trọng Đảng (Tiền Phong)