Cảnh sát cơ động thuộc Công an Nhân dân, lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Việc điều động Cảnh sát cơ động được quy định tại Điều 4 Thông tư 58/2015/TT-BCA quy định tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Cảnh sát cơ động.
Theo đó, các cơ quan có quyền điều động Cảnh sát cơ động gồm: Bộ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an tỉnh.
Cụ thể Bộ trưởng Bộ Công an có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động đến cấp Tiểu đoàn thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc và kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.
Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi địa bàn quản lý và kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.
Ngoài ra, tại Điều 10 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 08/2013/UBTVQH13 quy định cụ thể hơn việc điều động lực lượng này.
Theo đó, chỉ huy cấp Trung đoàn, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động đóng quân độc lập cũng có quyền điều động lực lượng thuộc quyền của mình tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai và phải kịp thời báo cáo chỉ huy cấp trên.
Chỉ huy đơn vị Cảnh sát cơ động có quyền điều động, sử dụng lực lượng thuộc quyền để tiến hành các hoạt động vũ trang theo kế hoạch huấn luyện, diễn tập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cảnh sát cơ động cũng được điều động trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Trần Thu Nam (Tri Thức Trực Tuyến)