Là một dự án “treo” nhiều năm liền nhưng tỉnh Phú Yên cho phá trắng 116 ha rừng phòng hộ rồi mới làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng rừng.
Như chúng tôi đã phản ánh, đây là dự án mà tỉnh Phú Yên đã cho phá trắng 116 ha rừng phòng hộ ven biển tại xã An Phú, TP Tuy Hòa để làm sân golf khi chưa trình hồ sơ lên Thủ tướng để xin chuyển mục đích sử dụng đất, chưa làm thủ tục giao đất, chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư cũng chưa làm thủ tục xin thuê đất… Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Phú Yên cho rằng dự án này được áp dụng cơ chế đặc thù để kịp quảng bá tại cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEANvào tháng 7 tới.
Ai cho phép phá rừng?
Ai đã cho phép phá rừng phòng hộ khi chưa chuyển mục đích sử dụng? Tại cuộc làm việc với báo chí ngày 21-4, ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN&MT, nói: “Nếu nói về các quy định của pháp luật, đây thuộc thẩm quyền của các cấp lãnh đạo. Sở TN&MT thực hiện theo chỉ đạo trong lĩnh vực đất đai. Dự án này đã được Thủ tướng cho phép từ năm 2005-2006. Chính vì thế, việc sử dụng đất rừng phòng hộ tôi nghĩ rằng chắc căn cứ vào sự cho phép của Thủ tướng trước đây”.
Trả lời câu hỏi: “Ban Thường vụ Tỉnh ủy hay UBND tỉnh có văn bản nào cho phép chủ đầu tư vừa thi công vừa làm thủ tục không?”, ông Lộc nói: “Hình như cho phép trong cuộc họp”.
Tiếp đó, một cán bộ Sở TN&MT có mặt tại buổi làm việc nói rằng có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, khi PV hỏi văn bản nào thì cán bộ này nói sẽ lục lại và cung cấp sau.
Trao đổi với chúng tôi ngày 23-4, ông Phạm Đình Cự, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh (người đã ký công văn ngày 20-4-2015 giao các sở, ngành nghiên cứu nhiều nội dung đề xuất của chủ đầu tư), xung quanh vấn đề này nhưng ông Cự nói lâu quá không nhớ.
Khi PV đăng ký làm việc các vấn đề liên quan dự án trên, ông Lee Jung Jun, Giám đốc dự án Công ty TNHH New City VN, từ chối: “Công ty chúng tôi không được lệnh làm việc với nhà báo nên chúng tôi không trả lời bất cứ nội dung gì. Nếu mấy anh muốn thì làm việc với tỉnh”.
“Vì sao một dự án “treo” nhiều năm lại được hưởng cơ chế đặc thù, vừa thi công vừa làm thủ tục?”, ông Nguyễn Chí Hiến trả lời: “Có một số nội dung cho tiến hành song trùng. Dự án này có từ năm 2004, qua ba nhiệm kỳ rồi”.
“Nhưng trong khi chưa trình hồ sơ lên Thủ tướng xin chuyển mục đích sử dụng, tỉnh Phú Yên đã cho phá trắng 116 ha rừng phòng hộ. Nếu Thủ tướng không chấp thuận chuyển mục đích sử dụng, lãnh đạo tỉnh Phú Yên chịu trách nhiệm và xử lý ra sao?”. Trả lời câu hỏi này, ông Hiến cho hay: “Về nguyên tắc, từ năm 2004 tỉnh xin chủ trương, Thủ tướng cho phép rồi. Năm 2008, dự án được chấp nhận rồi. Vấn đề là cách làm thôi”.
Khi PV đặt vấn đề thời điểm đó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc chủ trương đầu tư dự án trên chứ không phải cho phép sử dụng rừng phòng hộ, ông Hiến nói ngắn gọn: “Tôi sẽ thông tin chi tiết sau”.
Nhiều phương tiện ồ ạt san ủi rừng phòng hộ ven biển tại xã An Phú, TP Tuy Hòa để làm sân golf. Ảnh: TẤN LỘC |
Những khu rừng phi lao phòng hộ trên 40 năm tuổi đã bị xóa sổ để trồng cỏ làm sân golf. Ảnh: TẤN LỘC |
“Cứ để vậy, tỉnh không bao giờ đi lên được” (?)
Cũng tại cuộc trao đổi với báo chí ngày 21-4, ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, tỏ ra… tiếc vì đã quy hoạch diện tích rừng phi lao ven biển ở TP Tuy Hòa là rừng phòng hộ. “Theo quy hoạch phát triển TP Tuy Hòa được phê duyệt năm 2003, diện tích rừng ven biển ở TP Tuy Hòa là đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, do nhận thức, năm 2007 khi phê duyệt ba loại rừng theo quyết định của Bộ NN&PTNT, diện tích rừng ven biển của TP Tuy Hòa vẫn để là rừng phòng hộ. Chứ nếu chúng ta đưa ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ thì giờ không có gì để nói!” - ông Lộc trần tình.
Trả lời câu hỏi: “Ông nghĩ thế nào trước diện tích rừng phòng hộ bị mất quá lớn?”, ông Lộc nói: “Tôi nghĩ khi phát triển đô thị thì tất nhiên nó phải ảnh hưởng đến một số lĩnh vực khác. Về mặt khách quan, nó ảnh hưởng môi trường. Về chủ quan thì đây là điều kiện để phát triển TP trong tương lai. Khi họ phát rừng như vậy họ sẽ trồng lại, đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Còn rừng phi lao chẳng qua trồng trong giai đoạn cấp thời để chắn gió, chắn sóng là chính… Nếu chúng ta không cho khai thác mà cứ để vậy thì tỉnh không bao giờ đi lên được!”.
Trong khi đó, ông Lê Văn Hữu, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khẳng định rừng phòng hộ ven biển TP Tuy Hòa là tấm chắn hết sức quan trọng của đô thị này để chắn gió, sóng, cát biển. Theo ông Hữu, từ năm 1976 chính quyền phát động, vận động nhân dân trồng các khu rừng phòng hộ ven biển này. Ngoài ra tỉnh cũng tranh thủ các nguồn tài trợ để trồng, bảo vệ rừng phòng hộ này đến ngày nay.
“Có những khu vực để phát triển du lịch chứ không phải khăng khăng không cho. Tuy nhiên, những khu vực có vai trò quan trọng, cần thiết thì phải kiên quyết giữ lại. Như rừng phòng hộ ven biển này là lá phổi xanh của TP Tuy Hòa nên phải nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ. Phát triển du lịch cũng cần nhưng không phải như thế mà chặt phá hết”. Ông Hữu nói thế và tiếp: “Phú Yên đang khó khăn nên có dự án nào là tôi mừng lắm, nhất là phát triển du lịch. Tuy nhiên, tôi nhiều lần nhắc đi nhắc lại là phải làm đúng luật pháp. Có nhanh chậm gì cũng phải làm đúng quy định, đầy đủ thủ tục vì đó là phép nước!” - ông Hữu nhấn mạnh.
Từ dự án “treo” đến phá rừng ồ ạt Dự án Khu du lịch cao cấp New City VN của Công ty TNHH New City VN được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 1-2008 và được UBND tỉnh Phú Yên trao giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 7-2008. Thời điểm đó, dự án này được xem là dự án du lịch có quy mô rất lớn với tổng mức đầu tư đăng ký lên đến hơn 4,3 tỉ USD. Tuy nhiên, một thời gian dài sau đó dự án chững lại. Mãi đến tháng 9-2014, dự án trên được UBND tỉnh Phú Yên cấp lại giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho nhà đầu tư Hàn Quốc, mức đầu tư đăng ký giảm còn 1 tỉ USD. Ngày 14-4-2015, Công ty TNHH New City VN có văn bản đề nghị UBND tỉnh cấp giấy phép san nền để khởi công dự án Khu du lịch cao cấp New City VN. Ngày 20-4-2015, ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh khi đó, ký công văn giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp các sở Xây dựng, TN&MT, NN&PTNT cùng các ngành liên quan nghiên cứu các nội dung đề nghị của Công ty TNHH New City VN về xin cấp giấy phép san nền để khởi công dự án; tổng hợp và sớm có báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định. Cũng tại văn bản này, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định diện tích, kinh phí trồng rừng thay thế, trình phê duyệt để thông báo cho nhà đầu tư nộp vào quỹ phát triển rừng của tỉnh. Tiếp đó, ngày 21-5-2015, ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ký công văn gửi Sở KH&ĐT, trong đó thống nhất về nguyên tắc thời gian động thổ của dự án trên vào ngày 24-6-2015. Ngày 27-6-2015, Công ty TNHH New City VN tổ chức lễ động thổ dự án này tại xã An Phú. Đến cuối năm 2016, chủ đầu tư thuê Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên và Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm tiến hành triệt hạ, san dọn 116 ha rừng phòng hộ tại xã An Phú. Ngày 31-10-2016, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến tận khu rừng đã bị triệt hạ tặng bằng khen cho hai doanh nghiệp này và chủ đầu tư. Tại cuộc họp giao ban thực địa ngày 10-1-2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với cơ quan liên quan đến ngày 10-2 phải hoàn tất việc chặt cây phi lao trong phạm vi các hạng mục đang thi công. Đến cuối tháng 2-2017, UBND tỉnh mới có công văn giao Sở TN&MT rà soát các thủ tục để UBND tỉnh bổ sung hồ sơ, tài liệu trình Thủ tướng chấp thuận chuyển mục đích đất rừng phòng hộ thực hiện dự án. Ngày 12-4, Sở TN&MT mới kiến nghị UBND tỉnh giao cho sở này tổng hợp để UBND tỉnh báo cáo các bộ TN&MT, NN&PTNT trình Thủ tướng xem xét, quyết định chuyển mục đích rừng phòng hộ để thực hiện dự án trên. |
Theo Tấn Lộc (Pháp Luật TP.HCM)