Điều tra của chúng tôi về những băng nhóm giang hồ chiếm đoạt tài sản người dân đi xe buýt, hành hung những người khách chống đối hay trả thù tài xế nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.
Nhóm Chánh “già” leo lên xe buýt tuyến 12 (Bến Thành - Giang Điền, Đồng Nai) dùng chiêu bài bán thuốc “thần dược”, chiếm đoạt 200.000 đồng của một người ở Nghệ An sáng 7-11 |
Không chỉ bày tỏ sự bức xúc về hành vi côn đồ của các băng nhóm này, nhiều người còn thể hiện sự lo lắng về an toàn của những người đi xe buýt - một loại phương tiện công cộng đang được khuyến khích sử dụng để kéo giảm tình trạng kẹt xe và góp phần bảo vệ môi trường.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, không chỉ gây nên nỗi sợ hãi cho hành khách trên xe, những băng nhóm này còn uy hiếp luôn cả các tài xế bằng việc hành hung, đập phá kính xe nếu dám có hành động chống đối chúng “hành nghề”.
Người dân được bảo vệ thế nào khi đi xe buýt?
Theo luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh, Đoàn LS TP.HCM, việc bảo vệ sự an toàn cho người dân nói chung và cho hành khách đi trên phương tiện công cộng là trách nhiệm của cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an.
Theo LS Chánh, sự việc lần này cho thấy các lực lượng chức năng vẫn “bị động” trong việc phòng ngừa tội phạm. Điều này có thể là do người dân khi bị chiếm đoạt tài sản vì sợ hãi mà không dám lên tiếng hoặc tài xế vì sợ bị trả thù nên không dám tố giác tội phạm. Cũng có thể là do lực lượng trinh sát vẫn chưa bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoặc xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
“Lực lượng công an cần có biện pháp, lên kế hoạch triệt phá băng nhóm đã hoạt động nhiều năm, chiếm đoạt số tiền lớn, gây ra nhiều nỗi sợ hãi, hoang mang trong xã hội, gây mất trật tự trị an”, LS Nguyễn Đức Chánh nói.
Luật sư Lê Quang Vũ, Phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo nhận định hành động của các băng nhóm giang hồ mà bài báo phản ánh là đã có dấu hiệu hành vi của các tội cưỡng đoạt tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối với tội cưỡng đoạt tài sản không quy định số tiền chiếm đoạt mà chỉ cần có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản là đã cấu thành tội phạm.
Đối với với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản có quy định, tài sản bị chiếm đoạt từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án.
Như vậy, nếu những người này vi phạm lần thứ hai là có thể xử lý hình sự được.
Trung tá, TS Hà Thị Hồng Lan, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng để đấu tranh với loại băng nhóm hoạt động bài bản với nhiều chiêu thức tinh ranh, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và phối hợp đồng bộ từ chính người bị hại, đơn vị vận tải và các cơ quan chức năng.
Trước hết, theo TS Hồng Lan, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân tham gia các phương tiện vận tải công cộng biết được phương thức, thủ đoạn, nhận dạng của các băng nhóm này bằng các hình thức như loa thông báo, hình ảnh cảnh báo dán tại trạm chờ, trên xe… Khi biết được thông tin, người dân sẽ tự nâng cao ý thức bảo vệ thân thể và tài sản của mình.
Song song đó, TS Hà Thị Hồng Lan cho rằng quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng. Bằng các biện pháp khác nhau, lực lượng chức năng có thể thu thập được bằng chứng với sự giúp đỡ cung cấp chứng cứ, thông tin từ người bị hại, người làm chứng, tài xế, tiếp viên, bảo vệ bến xe buýt… và đưa sự việc ra ánh sáng.
Im lặng là tiếp tay cho tội phạm
Với tài xế, tiếp viên và những người xung quanh, nếu thấy người bị hại mà làm ngơ vì sợ trả thù, sợ phiền phức, theo bà Lan, như vậy là vô hình trung đang góp phần để tội phạm có đất tồn tại, có cơ hội lộng hành.
Sự bất bình, phản ứng đơn lẻ có thể gây tổn hại cho bản thân nhưng nếu có sự phối hợp, đoàn kết thì sẽ tạo ra sức mạnh tổng thể để chống lại.
“Người bị hại, người làm chứng có thể thông báo cho lực lượng chức năng biết về thực trạng, các chứng cứ, lời khai về việc mình bị hoặc chứng kiến việc trấn lột, hành hung… Bảo vệ bến xe, đơn vị vận tải, tài xế, tiếp viên hợp tác cung cấp thông tin. Lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự dùng nghiệp vụ của mình để tìm chứng cứ, đấu tranh với tội phạm. Nếu cứ im lặng thì “đất sống” của tội phạm vẫn còn”, TS Lê Thị Hồng Lan nói.
Nói thêm, LS Lê Quang Vũ cho rằng công an tại các địa phương có tệ nạn này có thể kêu gọi sự hỗ trợ của nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp phối hợp với việc hướng dẫn tài xế, chủ xe quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng và bắt giữ các đối tượng khi chúng hành động.
Giang hồ lừa đảo, hành hung khách trên xe buýt - Clip: Hoàng Lộc - Đức Phú |
Bạn đọc bức xúc chuyện đi xe buýt Một bạn đọc thẳng thắn nhận xét đây là một trong những nguyên nhân làm người dân ngại đi xe buýt. “Tôi không dám đi xe buýt. Lần đầu thì bị người ngồi bên thì thầm bán đồng hồ, không mua, nó đòi đâm kim tiêm. Lần hai lúc xuống xe, đứng gần cửa, tự nhiên có bàn tay trong túi quần, kịp giữ lại điện thoại. Buồn và thất vọng”, một bạn đọc kể lại những trải nghiệm của mình. Bạn Hà Nguyên cho rằng không thể kêu gọi người dân đi xe buýt nếu không đảm bảo sự an toàn của họ trên những chuyến xe. Nhiều bạn đọc đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc và xử lý một cách rốt ráo, triệt để, tránh tình trạng để các băng nhóm này “thấy động”, tìm cách yên ắng một thời gian rồi lại lộng hành như cũ. Nhiều bạn đọc cho rằng công an nên phối hợp với nhau xử lý nghiêm vì khi vào cuộc truy quét, các đối tượng này thường chuyển qua địa bàn khác hành nghề hoặc nếu có bị bắt cũng chỉ phạt vài ba triệu, ở vài tháng tù rồi sau đó lại vòng về hành nghề tiếp. |