Ngày 14/6, TP.HCM ghi nhận thêm 82 ca mắc Covid-19 mới được Bộ Y tế công bố với các mã số: BN 10.583, 10.588 – 10.616, 10.705 – 10.730, 10.781 – 10.806, nâng tổng số ca nhiễm của TP.HCM tính từ ngày 18/5 đến nay lên con số 870 trường hợp, phân bố rộng khắp 22/22 quận huyện và TP. Thủ Đức.
Ngoài 3 chuỗi lây nhiễm cũ tại công ty kiểm toán quận 3, chuỗi bánh canh O Thanh và Nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được công bố trước đó, đầu tháng 6/2021, TP.HCM ghi nhận các chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng không rõ nguồn gốc lây nhiễm, mới nhất là tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM với 69 ca bệnh (55 nhân viên và 14 trường hợp liên quan).
14 ngày giãn cách, dịch bệnh tại TP.HCM bùng phát như thế nào?
Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 sáng 14/6, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết trong 2 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực.
Trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách (từ 31/5 - 6/6), số ca nhiễm Covid-19 có xu hướng giảm rõ rệt, chủ yếu là các ca tại Nhóm truyền giáo Phục Hưng với những ổ dịch nhỏ liên quan (Công ty Thiên Tú FN, khách sạn Sheraton, quán cà phê Trung Nguyên, trường mầm non Song ngữ Kid Town, nhà trọ trên đường Dương Quảng Hàm...).
Đặc biệt đối với quận Gò Vấp - nơi sinh hoạt của Nhóm truyền giáo Phục Hưng, 4 ngày trước khi thực hiện giãn cách xã hội, dịch bùng phát mạnh, số ca bệnh ghi nhận trong ngày tại quận Gò Vấp lớn (hơn 10 ca/ngày).
Tuy nhiên từ 31/5 đến nay, số ca bệnh đã giảm, trong 5 ngày gần nhất, quận Gò Vấp chỉ có 2 - 3 ca trên ngày. Mặc dù vẫn ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng nhưng các ca bệnh này đã ở trong khu phong tỏa, ít khả năng lây lan trong cộng đồng, điều này cho thấy các ổ dịch tại quận Gò Vấp cơ bản đã được khống chế.
Tuy nhiên vào tuần thứ hai giãn cách, TP.HCM phát hiện thêm rất nhiều chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng không rõ nguồn gốc thông qua việc khám sàng lọc tại các bệnh viện. Theo thống kê của Sở Y tế, đã có 30 bệnh viện, phòng khám trên địa bàn TP có ca nhiễm Covid-19 đến khám. Đến khi ngành y tế bắt đầu điều tra, truy vết từ ca chỉ điểm thì đã phát hiện những chùm ca bệnh với số ca mắc lớn đã lây lan trong cộng đồng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, có 6 chuỗi lây nhiễm mới đang âm thầm lây lan dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:
+ Chuỗi lây nhiễm tại Khu dân cư Ehome 3, quận Bình Tân.
+ Chuỗi lây nhiễm BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
+ Chuỗi lây nhiễm tại xưởng cơ khí huyện Hóc Môn.
+ Chuỗi lây nhiễm tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức.
+ Chuỗi lây nhiễm tại ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, huyện Hóc Môn.
+ Chuỗi lây nhiễm Tân Thới 3, Tân Hiệp, huyện Hóc Môn.
Đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là các tòa nhà văn phòng). Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại thành phố.
Các ổ dịch cộng đồng lớn tại thành phố ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. Đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.
Bên cạnh những biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch Covid-19, để kiểm soát dịch bệnh, Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 14 ngày kể từ ngày 15/6 theo các nội dung của Chỉ thị 15 (kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12). Sau khi họp bàn cùng các cấp lãnh đạo, địa phương, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã ra quyết định giãn cách toàn thành phố thêm 14 ngày nữa để kiểm soát dịch Covid-19.
Tận dụng thời gian vàng của đợt giãn cách thứ 2 để "dập dịch"
Theo phân tích của Sở Y tế, hiện tại mầm bệnh đang âm thầm lây lan trong cộng đồng, việc thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách toàn xã hội sẽ giúp hạn chế khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.
BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kết quả của đợt giãn cách thứ 2 có đạt được hiệu quả, thành công như mong đợi hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố.
Thứ nhất, về mầm bệnh đang lây lan trong cộng đồng, hiện nay HCDC vẫn đang nỗ lực để truy vết, tìm ra nguồn gốc lây nhiễm của các ca bệnh được phát hiện tại bệnh viện. Tuy nhiên, trong cộng đồng vẫn còn có những ca bệnh nhiễm Covid-19 "không triệu chứng", không đến bệnh viện để khám sàng lọc đang hiện hữu.
Thứ 2, việc tuân thủ giãn cách có được thực hiện đúng hay không, ngành y tế rất hi vọng vào sự phối hợp của các cấp chính quyền và toàn thể người dân.
"Người dân vẫn còn tiếp xúc nhiều, Sở Y tế tha thiết mong người dân cần hạn chế tiếp xúc với người khác, chỉ tiếp xúc với người trong gia đình thôi để hạn chế lây lan trong cộng đồng. Sở Y tế đề nghị môi trường sống phải thông thoáng, hạn chế tối đa việc sử dụng máy điều hòa, sử dụng trên 27 độ C trở lên.
Quá trình di chuyển, tiếp xúc, mỗi người cần ghi lại để khi cần, khai báo với ngành y tế để công tác điều tra, truy vết được thuận tiện hơn", BS. Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.
Việc thành phố tiếp tục giãn cách 14 ngày, đây được xem là "thời gian vàng" để ngành y tế nỗ lực hết sức trong công tác dập dịch. Bởi 14 ngày cũng chính là thời gian mà một người nhiễm Covid-19 có thể ủ bệnh, phát tán bệnh ra cộng đồng. Nếu 14 ngày virus không có cơ hội phát tán khi chúng ta giãn cách tốt, thì khả năng lây lan ra cộng đồng sẽ thấp.
Mặc dù vậy, trong 2 tuần thực hiện giãn cách, ngành y tế cho biết không hẳn số trường hợp mắc Covid-19 mỗi ngày sẽ giảm, nhất là dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, có thể từ sau dịp lễ 30/4.
Ngành y tế sẽ tiến hành đánh giá sau khi tiến hành giãn cách sau 1 tuần đầu tiên để xem xét đề xuất về việc tăng cấp, giảm cấp về giãn cách toàn xã hội hay không. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đồng nhất quan điểm.
Riêng vấn đề lây nhiễm cho nhân viên y tế trong bệnh viện, đến nay đã có 64 nhân viên mắc Covid-19 ở 5 bệnh viện sau: BV quận Tân Phú (5), BV Đa khoa Nam Sài Gòn (1), BV Nhi đồng 1 (1), BV Nhân dân Gia Định (2) và nhiều nhất là BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (55).
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đã nhấn mạnh: "Dịch lây lan tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã cho chúng ta một bài học rất sâu sắc". Ông yêu cầu Sở Y tế đánh giá tổng thể các nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các cơ sở y tế, bổ sung phương án phòng dịch, không để xảy ra trường hợp tương tự như tại BV Bệnh Nhiệt đới.
Tại các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các cán bộ, công chức, người lao động nhà nước phải thực hiện giãn cách triệt để tại chỗ ngồi làm việc, đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc. Bếp ăn tập thể chỉ bán mang đi, không ăn chung, sau giờ làm việc, cán bộ, công chức, người lao động phải gương mẫu ở nhà toàn thời gian. Đồng thời, phải chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp công sở bị cách ly.
"Tùy vào tình hình giãn cách trong 1 tuần tới, mức độ kiểm soát ra sao, sẽ có những khu vực sẽ chuyển sang Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm hơn nữa các trường hợp vi phạm. Nhất là những nơi có tổ chức ăn nhậu, tụ tập đông người", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Theo Văn Tiên (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)