Bệnh nhân tử vong do Covid-19 ở TP HCM tăng 4 kịch bản TP HCM chống dịch trong 'bình thường mới'
Các bệnh nhân này có triệu chứng rất nhẹ, không cần hồi sức, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19, chiều 4/11.
14% bệnh nhân còn lại là người chưa tiêm vaccine, 90% trong số này dưới 18 tuổi. Họ là F0 mới phát hiện tại các khu công nghiệp, khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố.
Một khảo sát khác, thực hiện hồi giữa tháng 10 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng - tầng 3 trong tháp 3 tầng), trên 349 bệnh nhân đang điều trị, cho thấy 45% ở mức độ nhẹ, 55% nặng (cần thở oxy, thở máy không xâm lấn, xâm lấn và ECMO), theo bác sĩ Châu.
So sánh giữa hai nhóm bệnh nhẹ và nặng với yếu tố đã tiêm và không tiêm vaccine, nhóm chưa tiêm có 74% bệnh nặng, 26% nhẹ. Nhóm đã tiêm (gồm một hoặc hai mũi) thì 40% mắc bệnh nặng, 60% nhẹ. Trong đó, những người đã tiêm một mũi thì 49% bị nặng, 51% nhẹ. Người đã tiêm hai mũi thì chỉ có 12% nặng, 88% nhẹ.
Phân tích sâu hơn ở nhóm bệnh nặng, trong nhóm đã tiêm hai mũi chỉ có một trường hợp cần thở máy xâm lấn, 5 ca phải thở oxy. Nhóm đã tiêm một mũi thì 10 ca phải thở máy xâm lấn. Nhóm không tiêm vaccine có tới 51 trường hợp phải thở máy xâm lấn, 3 ca ECMO.
Bác sĩ Châu lưu ý đây là khảo sát ở quy mô một bệnh viện chuyên khoa của thành phố, không đại diện cho toàn bộ thông tin về vaccine và bệnh nặng. Tuy nhiên kết quả này xác nhận lại thông tin mà y văn thế giới đã khẳng định: nếu tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 thì khả năng bảo vệ tốt hơn và tỷ lệ trở nặng khi nhiễm virus sẽ giảm đáng kể.
Số bệnh nhân thở oxy, thở máy xâm lấn tại TP HCM đang giảm. Ngày 3/11 còn 246 F0 đang thở máy xâm lấn, 40 F0 nặng cần lọc máu, 12 ca cần can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể).
"Tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh, thậm chí trở nặng và tử vong nếu không điều trị kịp thời, nhưng tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với không tiêm vaccine. Do đó, dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine, người dân vẫn cần tuân thủ 5K" bác sĩ Châu nhấn mạnh.
Bác sĩ Châu cho biết thêm, số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) trong 1-2 tuần qua, cho thấy số ca mắc mới và số ca nhập bệnh viện Covid-19 tại tầng hai có xu hướng tăng. Riêng số F0 tầng hai tăng nhẹ do nhiều nguyên nhân, như một số bệnh nhân thực sự cần nhập viện; một số có bệnh nền. Đúng ra F0 có bệnh nền có thể theo dõi tại các cơ sở cách ly tại cộng đồng, song TP HCM đang thu gọn khu cách ly để trả cơ sở, trong khi đó bệnh viện dã chiến tầng hai còn chỗ trống nên chuyển bệnh nhân đến đây, tính vào tổng số F0 nhập viện.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế cũng cảnh báo nguy cơ dịch bùng trở lại, nếu người dân chủ quan, không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, độ phủ vaccine tại thành phố đang cao nhưng người dân từ các tỉnh trở về thành phố làm việc cũng tăng lên. Nếu họ chưa tiêm vaccine, nguy cơ tăng ca mắc mới, trở nặng và nhập viện.
Hai tuần qua, nếu chỉ tính riêng tiêu chí là số ca mắc mới thì với 50-150 ca mắc mới/tuần/100.000 dân thì TP HCM ở cấp độ dịch 3. Với những tiêu chí đánh giá cấp độ dịch khác, như tỷ lệ tiêm vaccine cho nhóm người nguy cơ cao; năng lực điều trị... nên nhìn chung dịch TP HCM được đánh giá ở cấp độ 2. Với cấp độ này, thành phố vẫn sẽ thực hiện kịch bản tương ứng. Thành phố đã chuẩn bị 4 kịch bản để đối phó với 4 cấp độ dịch khác nhau.
Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM cũng nhận định, số ca mắc mới, nhập viện và tử vong do Covid-19 tăng trở lại cho thấy dịch trên địa bàn vẫn khó lường. Ông cũng nêu thực trạng những ngày qua vẫn còn khá nhiều người dân trên địa bàn không tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Nhiều người chở trẻ con ra đường nhưng không cho con đeo khẩu trang. Nhiều người tụ tập ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang. Nhiều người vào nhà hàng, quán ăn chưa tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế...
Theo Thư Anh (Ngoisao.net)