Sáng nay 17.11, trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản tỉnh Tây Ninh Lê Văn Khải cho biết, với 72 kg đỉa sấy khô thì ước lượng thành phẩm từ khoảng 300 kg đỉa sống.
Ông Khải định định đây là vụ thứ 4 trên địa bàn tỉnh phát hiện vận chuyển đỉa và là vụ có số lượng lớn nhất từ trước đến nay.Trước đó, các lực lượng chức năng, Công an Tây Ninh phát hiện 3 vụ chuyển với hơn 600 kg tại khu vực TP.Tây Ninh, huyện Châu Thành và Bến Cầu.
Trước thông tin người dân hoang mang có hay không chuyện đỉa bị sấy khô sẽ sống lại nếu ngâm trong môi trường nước, ông Khải khẳng định: “Đỉa bị sấy khô đồng nghĩa với các tế bào cũng bị chết thì không thể sống lại được”.
|
Tiêu hủy đỉa khô - Ảnh: Giang Phương
|
Tại thời điểm phóng viên có mặt ở buổi tiêu hủy, khi các bao tải đựng đỉa sấy khô vừa được mở thì mùi hôi nồng nặc xộc vào mũi khiến những người trực tiếp làm công tác tiêu hủy ngay lập tức phải tránh đi. Nguồn gốc đỉa được người vận chuyển khai nhận xuất phát từ phía biên giới Campuchia về Việt Nam.
Theo phân tích, ruộng đồng tại Tây Ninh hiện còn rất ít điểm hoang hóa nên khả năng loài đỉa này còn rất ít.
Ông Khải cũng cho biết, hiện tỉnh Tây Ninh chưa phát hiện bất kỳ cơ sở nào gây nuôi loài này. “Theo tôi được biết, loài này được thu mua sang Việt Nam để xuất đi một nước thứ 3, chưa rõ mục đích sử dụng”.
Trước thông tin cho rằng, đỉa được sử dụng để làm thuốc với giá khá đắt khoảng 3 triệu đồng/kg, ông Khải cho biết, hiện nay chưa có bất kỳ thông tin nào về việc thu mua đỉa để làm thuốc tại Tây Ninh.
Thế nhưng ông Khải lo lắng: “Nếu có việc một nước nào đó đang cố tình thu mua đỉa với giá cao ngất sớm muộn sẽ xảy hiện tượng người dân lén lút gây nuôi, thu mua. Đến thời điểm không bán ra được nữa tất yếu sẽ phát tán ra môi trường tự nhiên thì hậu quả khó lường”.
“Chúng tôi đề nghị bà con cung cấp thông tin về việc vận chuyển, các cơ sở gây nuôi đỉa để kịp thời ngăn chặn”, ông Khải khuyến cáo.
>> Chặn đứng vụ vận chuyển 72 kg đỉa sấy khô từ biên giới vào Việt Nam
Theo Giang Phương (Thanh Niên Online)