Nhiều giáo viên hợp đồng ở Quảng Ngãi phản ánh, từ đầu năm đến nay họ không được nhận lương. "Tôi đã đi dạy bảy năm, năm 2017 tôi thi tuyển giáo viên nhưng không đậu, sau đó tiếp tục dạy hợp đồng. Đồng lương ít ỏi nhưng cũng đủ trang trải, nay bị cắt lương khiến cuộc sống tôi khá chật vật", một cô giáo thổ lộ.
Một cô giáo tiểu học mới vào nghề chia sẻ, cô được ký hợp đồng từ tháng tám năm ngoái, thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng mỗi tháng. "Từ khi bị cắt lương tôi sống từ nguồn thu nhập bán hàng online trên Facebook", nữ giáo viên trải lòng.
Thầy Lữ Đình Thành - Hiệu trưởng trường Tiểu học Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi cho biết, trường có 9 giáo viên, nhân viên hợp đồng, trong đó hai hợp đồng trường tự ký, bảy hợp đồng của thành phố. Từ đầu năm đến nay, kho bạc không đồng ý giải ngân cho các hợp đồng của trường, còn hai hợp đồng của thành phố thì mới được tạm ứng.
"Không có lương, đời sống của giáo viên rất khó khăn. Hơn nữa, các vị trí khác trong trường như bảo vệ cũng không có lương, trong khi trường có hai cơ sở, cần đảm bảo an ninh", thầy Thành nói. Hầu hết trường tiểu học và trung học cơ sở đều lâm vào tình cảnh tương tự. Để tiếp động lực cho giáo viên đến lớp, các trường linh hoạt tìm những nguồn khác để tạm ứng.
Ông Nguyễn Văn Kiểm - Phó phòng Giáo dục TP Quảng Ngãi cho biết, thành phố còn thiếu khoảng 200 biên chế nhưng năm qua không tổ chức thi tuyển, hoặc luân chuyển để bổ sung. Trong khi đó, trong xu hướng di cư về đô thị, số học sinh của thành phố ngày càng tăng. Để đảm bảo công tác giảng dạy, Phòng Giáo dục đã kiến nghị UBND TP tiếp tục hợp đồng với giáo viên đến 30/6 tới.
Theo Sở Nội vụ Quảng Ngãi, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 600-700 giáo viên về hưu, chuyển công tác, thôi việc... do đó các huyện, thành phố và trường học bắt buộc phải có giáo viên hợp đồng.
Do bị vướng các quy định, hiện khoảng 700 giáo viên hợp đồng trong tỉnh không có lương vì kho bạc không giải ngân. Cụ thể, theo Nghị quyết 19, các đơn vị sự nghiệp công lập được phép ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế.
Trong khi đó, Nghị định 161 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2019 cấm hợp đồng trong đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, tỉnh phải chỉ đạo chấm dứt hợp đồng với giáo viên. Nếu kho bạc giải ngân thì không có ai chịu trách nhiệm khi kiểm toán nhà nước kiểm tra.
Ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, đã kiến nghị lên cấp trên để tìm cách tháo gỡ. "Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đến cuối năm nay phải giao các huyện và Sở Giáo dục tổ chức thi tuyển giáo viên. Nhưng trên thực tế sẽ luôn có giáo viên hợp đồng vì nhiều giáo viên nghỉ hưu dẫn đến thiếu hụt", ông nói.
Theo Phạm Linh (VnExpress.net)