7 bộ họp về độc tố khiến cá chết hàng loạt

27/04/2016 14:25:00

Chiều 27/4, đại diện các bộ Tài nguyên, Nông nghiệp, Công Thương, Y tế, Khoa học... cùng Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ họp để đi đến kết luận cuối cùng về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.

Chiều 27/4, đại diện các bộ Tài nguyên, Nông nghiệp, Công Thương, Y tế, Khoa học... cùng Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ họp để đi đến kết luận cuối cùng về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.
7-bo-hop-ve-doc-to-khien-ca-chet-hang-loat

Cá chết lan rộng ở miền Trung như thế nào.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan điều phối hoạt động phân tích, đánh giá của các đơn vị nghiên cứu, đến ngày 26/4 đã có nhiều đơn vị nghiên cứu và quản lý của các bộ, ngành khảo sát, phân tích tìm nguyên nhân cá chết.

Cụ thể, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Tổng cục Thủy sản cùng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Viện nghiên cứu Hải sản đã lấy mẫu cá chết trong lồng tại Hà Tĩnh; mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du tại Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp cũng phân tích mẫu môi trường, bệnh dịch thuỷ sản và tảo độc, khảo sát, nghiên cứu về hải dương và dòng chảy ven bờ.

Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phân tích các mẫu cá, mẫu nước do Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 thu thập được để phân tích độc tố. Các viện nghiên cứu khác thuộc Viện này đã lấy mẫu cá chết và quan trắc môi trường, dòng hải lưu, quan trắc ảnh vệ tinh.

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lấy mẫu nước biển, nước thải, mẫu cá chết; Viện Kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) đang phân tích mẫu cá chết do Bộ Tài nguyên gửi. 

7-bo-hop-ve-doc-to-khien-ca-chet-hang-loat-1

Một con cá vẩu nặng chừng 35 kg được ngư dân phát hiện chết ở bờ biển xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) vào chiều 24/4. 

Ngoài 4 bộ trên, Bộ Công Thương tham gia với tư cách cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất công nghiệp. Hôm qua đoàn kiểm tra của Bộ đã làm việc với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, doanh nghiệp có đường ống xả thải ra biển, để kiểm tra việc nhập khẩu cũng như sử dụng hàng trăm tấn hóa chất để súc rửa đường ống.

Một nguồn tin cho biết, Bộ Công an và Quốc phòng sẽ tham gia với tư cách cơ quan bảo vệ vùng biển, hải đảo Việt Nam.

Về việc có gửi mẫu ra nước ngoài để tìm nguyên nhân, trao đổi với báo chí chiều 26/4, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, trước mắt Bộ chưa làm mà sẽ theo đề xuất của các nhà khoa học. 

"Rất khó trả lời bao giờ có kết quả. Tôi đã yêu cầu các nhà khoa học phân tích theo phương pháp loại trừ, tập trung vào các nghi vấn có khả năng nhiều nhất để sớm có câu trả lời", ông Phát nói.

Một số mẫu cá đang được các nhà khoa học Viện hàn lâm phân tích.

Một số mẫu cá đang được các nhà khoa học Viện hàn lâm phân tích.

Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, tỉnh Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng Bình 25 tấn, Quảng trị 30 tấn cá biển tự nhiên chết dạt bờ.

Từ ngày 20/4 đến nay, các bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đều có đoàn vào khảo sát thực địa, lấy mẫu cá, mẫu nước và mẫu đất để truy tìm nguyên nhân. Ngày 25/4, những nguyên nhân bệnh dịch, động đất, tràn dầu đều bị loại trừ.

Lãnh đạo hai bộ Tài nguyên và Nông nghiệp đều khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân gây họa. Tuy nhiên, độc tố đó là gì đến nay vẫn chưa được xác định.

Theo Phạm Hương (VnExpress.net)

 

Nổi bật