600 học viên cai nghiện trốn trại, lộ ra nhiều bất cập

27/10/2016 08:58:00

Vụ gần 600 học viên Trung tâm cai nghiện tỉnh Đồng Nai đập phá, trốn khỏi trung tâm, tràn ra quốc lộ 1 đêm 23, rạng sáng 24-10 gây thiệt hại lớn cho trung tâm và làm hoang mang dư luận.

Vụ gần 600 học viên Trung tâm cai nghiện tỉnh Đồng Nai đập phá, trốn khỏi trung tâm, tràn ra quốc lộ 1 đêm 23, rạng sáng 24-10 gây thiệt hại lớn cho trung tâm và làm hoang mang dư luận.
 
Các học viên trốn trại bị lực lượng chức năng truy bắt để đưa trở lại về cơ sở cai nghiện tỉnh Đồng Nai rạng sáng 24-10 - Ảnh: A LỘC

Mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực truy bắt và vận động các học viên trở lại trung tâm, nhưng qua vụ việc trên hé lộ còn nhiều bất cập trong công tác quản lí tại các trung tâm điều trị cai nghiện.

Dùng hung khí chống trả bảo vệ

Theo báo cao nhanh của Sở Lao động – thương binh và hã hội (LĐ-TB&XH) Đồng Nai, vụ việc bắt đầu vào khoảng 19g30 ngày 23-10, tại phòng 2 và 3, khu quản lí các đối tượng không có nơi cư trú ngoài xã hội, Trung tâm cai nghiện Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc).

Tại đây, có hai học viên đập bóng đèn, tự rạch vào cổ, la hét chửi bới ép các đối tượng trong phòng đập cửa kính phòng để bỏ trốn.

Sau khi ra khỏi phòng, các đối tượng này tiếp tục qua các khu khác đập phá phòng và lôi kéo các học viên khác đi theo.

Tổng cộng có 562 học viên, trong đó có 58 học viên nữ, cầm theo hung khí như gậy, ván, đồ dùng cá nhân và lấy các bình chữa cháy được bố trí bên ngoài chống trả lại lực lượng bảo vệ, tràn ra khỏi cổng chính của cơ sở, đi thành đoàn theo đường tỉnh lộ ra quốc lộ 1.

Ông Hồ Văn Lộc – phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai cho biết sau khi nắm bắt vụ việc đã chỉ đạo lực lượng bảo vệ tại trung tâm phải nhượng bộ các học viên nhằm tránh gây thương tích không đáng có, nhanh chóng thông báo đến các địa phương xung quanh trung tâm điều động khẩn lực lượng công an, dân quân cùng nhân dân chi viện.

Về nguyên nhân ban đầu khiến các học viên quá khích dẫn đến bỏ trốn, ông Lộc nhận định: “Do môi trường các anh đó ngoài xã hội được tự do, khi vô đây thì bị gò bó trong phạm vi hẹp, có những lúc yêu cầu được ra ngoài nhưng theo qui định thì không được ra cho nên dẫn đến các manh động. Sau khi ra ngoài được rồi, các anh đó lại tiếp tục rủ rê các học viên khác đi theo tạo nên hiệu ứng domino”.

Đến ngày 26-10, tức sau ba ngày xảy ra vụ việc, vẫn còn hơn 100 học viên đang được các lực lượng đi vận động và truy tìm đưa trở lại trung tâm.

Trong vụ việc trên, các nhân viên và bảo vệ tại trung tâm không thể nào tự xoay sở được nếu không có sự chi viện từ lực lượng công an và nhân dân địa phương trước những hành vi “ngang ngược” của một số học viên.

600 học viên cai nghiện trốn trại, lộ ra nhiều bất cập
Phòng của học viên nữ cũng bị đập phá, ép buộc cùng tham gia bỏ trốn - Ảnh: A LỘC

Gấp đôi khả năng

Trước đó cũng tại trung tâm trên, trong các ngày 29-9 và 17-10 đã có 26 học viên cũng từng bỏ trốn. Việc học viên cai nghiện bỏ trốn không chỉ xảy ra tại trung tâm này mà trước đó cũng từng diễn ra các địa phương khác như Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu với số lượng hàng trăm học viên.

Trong vụ việc này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung còn cho rằng do một số học viên tại trung tâm "ngáo đá" và có thể đến từ cách hiểu khác nhau trong cai nghiện bắt buộc, do giải thích của cán bộ - nhân viên các trung tâm chưa đến nơi đến chốn nên gây ra tâm lý bức xúc cho học viên.

Và cũng có thể có nguyên nhân là khi vào các trung tâm cai nghiện, các học viên thường nảy sinh tâm lý mình phải ra tòa và đã ra tòa thì bị xét xử, bị đưa đi cai nghiện bắt buộc từ 12 đến 24 tháng. Sau đó lại phải tiếp tục giai đoạn sau cai khiến các học viên nghĩ mình đã ra tòa sẽ là có tội nên tâm lý chung là rất sợ.

600 học viên cai nghiện trốn trại, lộ ra nhiều bất cập
Các học viên trốn trại bị lực lượng chức năng truy bắt để đưa trở lại về cơ sở cai nghiện tỉnh Đồng Nai rạng sáng 24-10 - Ảnh: A LỘC

Ngoài ra, thời điểm xảy ra vụ việc, Trung tâm cai nghiện tỉnh Đồng Nai đã quá tải. Cụ thể, sức chứa của trung tâm chỉ khoảng 600-700 học viên. Tuy nhiên, hiện số lượng học viên đã gần 1.500 học viên, gấp đôi khả năng tiếp nhận của cơ sở. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ khá mỏng. 

Cũng theo ông Lộc, trong số các đối tượng được đưa vào trung tâm có đến 30% học viên từng có tiền án, tiền sự. Cùng với đó, tỷ lệ học viên mắc bệnh HIV, lao, tâm thần… chiếm khá cao khiến công tác chăm sóc, quản lý giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời, ông Lộc còn cho rằng tâm lý một số học viên thường ma mãnh. Chẳng hạn qua vụ việc này, các học viên thừa hiểu mình đến đây là điều trị bệnh, không có phạm pháp nên tỏ ra không sợ sệt và ngoan cố. Một khi xảy ra sự cố, các học viên thừa hiểu cơ quan chức năng cũng chẳng giam được họ thêm vì đây không phải là nơi giam giữ tội phạm.

Thực tế, ghi nhận tại nơi xảy ra vụ việc, các học viên sau khi truy bắt trở lại rất bình thản, xem như chẳng có chuyện gì xảy ra và thiệt hại cuối cùng chính tại trung tâm khi phải giải quyết hậu quả.

Rõ ràng, vụ việc đáng tiếc này có thể giải quyết từ trước nếu các địa phương thực hiện tốt các nguyên nhân trên từ sớm hơn.

600 học viên cai nghiện trốn trại, lộ ra nhiều bất cập
Phòng học viên nam bị đập phá tan hoang để thoát ra ngoài và bỏ trốn - Ảnh: A LỘC
 

Ngay khi đưa các học viên bỏ trốn trở lại trung tâm, các đơn vị cũng lúng túng trong việc sắp xếp lại chỗ cho các học viên do phần lớn khu phòng ở đã đập phá, hư hỏng nặng. Và phải đưa vào khu vực đang sửa chữa giam tạm thời.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, sau vụ việc trên phải bắt đầu xem xét phân loại, học viên có gia đình thì sau rà soát, phân loại sẽ vận động cai tại cộng đồng. Còn ai không có gia đình, không địa chỉ cư trú sẽ đưa ra tòa để đi cai nghiện bắt buộc.

Sau khi xảy ra vụ việc, UBND tỉnh Đồng Nai phải chi thêm 15 tỉ đồng để nâng cấp và mở rộng trung tâm.

 
Theo Đức Trong - A.Lộc (Tuổi Trẻ)

Nổi bật