Tại phiên chất vấn ngày 18/4, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến thực trạng sinh viên ra trường không có việc làm, và chất vấn về các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lực, tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, đặc biệt với bộ phận giáo dục nghề nghiệp.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, bộ đã chọn ba vấn đề có tính chất đột phá, nếu làm tốt thì giáo dục nghề nghiệp sẽ có sự chuyển động nhất định.
Thứ nhất là tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên tự chủ không phải là khoán trắng, không có sự hỗ trợ của nhà nước, mà thực chất là khuyến khích, bắt buộc các trường hoạch toán như doanh nghiệp, hướng đến giao quyền tự chủ, tự chọn loại hình đào tạo phù hợp.
Tự chủ ở đây là tổ chức bộ máy, chương trình, mã ngành, từng bước chuyển giao dự toán ngân sách như hiện nay sang phương thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ theo đầu ra mà không phân biệt công lập hay ngoài công lập.
Giải pháp thứ hai là tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người sử dụng lao động, với cơ sở đào tạo và người lao động.
Đây là một trong những điểm yếu của giáo dục nghề nghiệp vừa qua. Sở dĩ đào tạo ra mà người ra trường thì không có việc làm, doanh nghiệp thì phải đào tạo lại, bởi vì chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường và người học.
Đồng thời sẽ triển khai một số mô hình hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của các nước phát triển như mô hình đào tạo kép của Đức, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc xây dựng giáo trình, tham gia đào tạo, đánh giá kết quả người học, cung cấp thông tin, đồng hành với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo Bộ trưởng Dung, hiện có 6 trường đã cam kết là sinh viên ra trường sẽ có việc làm, nếu em nào không có việc làm thì nhà trường sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí đào tạo cho các em.
Giải pháp thứ ba là tập trung xây dựng chuẩn hóa quốc gia về giáo dục nghề nghiệp, tiệm cận với chuẩn mực của các nước Asean và một số nước phát triển như chuẩn đầu ra, chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị, chuẩn về giáo viên, cán bộ quản lý và chuẩn về kiểm định chất lượng.
Báo cáo thêm việc này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, bộ này đang phối hợp với Bộ LĐTB&XH rà soát, nâng cao chất lượng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông để các em tiếp cận nghề nghiệp, khuyến khích học sinh khi tốt nghiệp đã có nguyện vọng chuyển sang học nghề chứ không nhất thiết vào đại học. Theo bộ trưởng, tình trạng này bước đầu có kết quả.
Đồng thời, giải pháp trong chương trình giáo dục phổ thông mới là, tăng cường những môn hướng nghiệp, để khi quyết định vào đại học thì có hướng nghề nghiệp.
Cùng với đó, ngành cũng có những chuẩn đầu vào và thắt chặt chất lượng đại học để góp phần hài hoà việc phân luồng. Bên cạnh đó, có giải pháp tăng chất lượng, hiện nay có 5 trường đại học sư phạm kỹ thuật, bộ đã làm việc với các trường, theo hướng đào tạo ra giáo sinh thạo nghề.
Theo Bộ trưởng Nhạ, tới đây hai bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành quyết định đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các bậc học sau đại học. Điều này tạo động lực cho các em chưa có điều kiện thì học nghề, khi có điều kiện thì học cao hơn, liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)