Ths.Bs Trần Giáp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, dáng vẻ tuy bé nhỏ, nhưng luôn toát lên sự kiên cường. Khi Covid-19 cao trào tại Vĩnh Phúc, anh nhận nhiệm vụ điều trị các bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Dã chiến.
"Chúng tôi đã làm việc không quản ngày đêm. Có những lúc, mồ hôi trên người túa ra, ướt đẫm, đôi mắt cay xè mà không dám đưa tay lên lau", anh nhớ lại. Niềm động viên lớn lao nhất với anh và "đồng đội", là khi người bệnh khỏe lên từng ngày, tình trạng ổn định.
18 ngày tại Bệnh viện Dã chiến Vĩnh Phúc, bác sĩ Giáp hy vọng sớm được về thăm gia đình, nhất là 2 cô con gái nhỏ (18 tháng và 4 tuổi). Niềm mong chờ tạm khép lại khi anh nhận thông báo được chọn cử đi tăng cường tâm dịch Bắc Giang.
Nghe tin, vợ anh là điều dưỡng của Tổ Công tác Xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, thấu hiểu nỗi vất vả của chồng.
"Tôi xác định đây là cuộc chiến lâu dài, còn mạnh khỏe thì còn phải cống hiến. Vợ tôi lo lắng, nhưng vẫn khích lệ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, sớm trở về", bác sĩ Giáp nói.
Từ ngày 2 vợ chồng tham gia chống dịch, các con gửi nhờ ông bà, người thân chăm sóc. Đêm trước khi chi viện Bắc Giang, anh tranh thủ gọi vội cho vợ. Cô con gái lớn hỏi bao giờ bố về rồi òa khóc, sau hứa vâng lời ở nhà ngoan, giúp bố trông em.
Cũng giống anh Giáp, bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên kể, vợ chồng anh cùng làm ngành Y, lại lĩnh vực hồi sức, cấp cứu nên vất vả vô cùng.
Có tháng, 2 vợ chồng 15 ngày không gặp nhau. Hai con nhỏ (4 và 6 tuổi) phải thu xếp nhờ người trông giúp. Trong thời gian Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên bị phong tỏa, vợ phải cách ly tại Bệnh viện 74 Trung ương, anh Tuấn tăng cường tại bệnh viện cũng không được về nhà. Anh chị nhờ bà nội từ Yên Bái xuống trông con.
Bệnh viện hết cách ly, bác sĩ Tuấn đoàn tụ với gia đình chưa được 1 tuần thì nhận thông tin Bắc Giang cần tăng cường bác sĩ hồi sức tích cực (ICU). Anh đã xung phong lên đường không chút do dự.
Hai chàng trai trẻ tuổi nhất trong đoàn tăng cường của tỉnh Vĩnh Phúc là Phạm Công Tuấn Anh và Phùng Quốc Đạt, đều là nhân viên hợp đồng của Khoa Hồi sức tích cực Chống độc và Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuấn Anh còn độc thân, lại là con một. Anh là điều dưỡng có chuyên môn, được lãnh đạo tin tưởng và điều động vào Bệnh viện Dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 6/5, tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 vòng 1.
Không một ngày nghỉ ngơi, chưa một lần về nhà kể từ khi tham gia chống dịch, ngày 31/5, Tuấn Anh tiếp tục nhận quyết định tăng cường cho Bắc Giang.
Còn điều dưỡng Quốc Đạt là quân số dự bị của Bệnh viện Dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc, bố mẹ làm nông, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Đạt mới lập gia đình và 3 tháng nữa sẽ được lên chức bố. Tuy nhiên, khi biết ngành y và tỉnh Bắc Giang cần chi viện cán bộ ICU, Đạt đã xung phong đi "tiền tuyến".
Anh tâm sự, "Đối với chúng tôi - những nhân viên y tế, khi bệnh nhân cần, cộng đồng cần, sẵn sàng tạm xa gia đình riêng của mình để dập dịch".
Đối với Quốc Đạt, lần đầu được làm bố nên rất hồi hộp, mong ngóng. Đây là thời gian mà vợ cần anh ở bên chăm sóc nhất, nhưng vì nhiệm vụ chung, anh lên đường cùng lời động viên: "Em yên tâm, cố giữ gìn sức khỏe. Nếu phần công sức nhỏ bé của anh có thể chung tay giúp tỉnh bạn đẩy lùi được dịch bệnh, anh sẽ sớm về nhà cùng em đón con chào đời, đừng buồn em nhé!".
Hai thành viên cuối cùng của đoàn là điều dưỡng Nguyễn Đức Thịnh và Đàm Duy Tùng, cùng công tác tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên. Cả Thịnh và Tùng trước đó đã chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại bệnh viện trong suốt thời gian cơ quan bị cách ly.
Ngày 1/6, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên trở lại hoạt động khám chữa bệnh bình thường, cũng là lúc cả hai nhận lệnh điều động lên đường đi Bắc Giang chăm sóc bệnh nhân ICU.
Bố mẹ và vợ của điều dưỡng Thịnh đều không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập bấp bênh. Trong khi đó, con của Tùng còn nhỏ, mới được 9 tháng tuổi. Cũng giống những đồng nghiệp khác, họ sẵn sàng tạm gác niềm hạnh phúc riêng.
Tính đến trưa 6/6, Bắc Giang vượt mốc 3.000 ca mắc Covid-19, còn 2 ổ dịch vẫn phát sinh thêm F0 là Khu công nghiệp Vân Trung (liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) và Khu công nghiệp Quang Châu.
Các ca mắc mới chủ yếu là công nhân và một số người nhà, người tiếp xúc gần, được phát hiện tại khu vực đã được phong tỏa, khu cách ly tập trung có nhiều công nhân trên địa bàn huyện Việt Yên (thôn Núi Hiểu, Tam Tầng, Trung Đồng).
Dự báo trong những ngày tới, tiếp tục phát sinh các ca nhiễm mới song mức tăng có chiều hướng giảm. Hiện tại tỉnh đã kiểm soát, quản lý chặt, khoanh vùng và thu hẹp phạm vi các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Do vậy, các F0 mới phát hiện chủ yếu đã được cách ly, theo dõi y tế hoặc nằm trong vùng phong tỏa.
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)