Báo cáo về tình hình vắc-xin ngừa Covid-19 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 15/2, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ đã khẩn trương để tiếp nhận vắc-xin của chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu; đã hoàn thành xong các khâu thủ tục.
Theo ông Cường, cả hai nguồn này, nếu các chuyến bay sắp xếp tốt, kịp thời, thủ tục hoàn thiện tốt thì cuối tháng 2 vắc-xin sẽ về Việt Nam. Dự kiến số lượng vắc-xin từ nguồn COVAX có khoảng 4,88 triệu liều và nhập khẩu hơn trăm nghìn liều. Tổng cộng sẽ có gần 5 triệu liều vắc-xin.
“Như vậy, chúng ta sẽ tiêm mũi thứ nhất khoảng 5 triệu người. Sau 3 tháng chúng ta sẽ có thêm 5 triệu liều khác. Đây là một tin rất vui”, Thứ trưởng Y tế cho hay.
Về phương án tiêm vắc-xin, ông Cường cho biết sẽ ưu tiên cho những người làm công tác chống dịch đầu tiên và các lực lượng khác.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, vấn đề vắc-xin phòng Covid-19 đã giải quyết cơ bản. Vắc-xin trong nước đang tiếp tục đẩy nhanh từng ngày, từng giờ. Đây là vấn đề chiến lược, không chỉ phòng Covid-19 hiện nay, mà còn tạo điều kiện để nghiên cứu vắc-xin mới nhanh hơn nhiều nếu xuất hiện con virus mới.
Ông Đam cho hay, nguồn vắc-xin cho không của Liên hợp quốc, Bộ Y tế đã nộp hồ sơ trước ngày 9/2, họ nói cuối tháng 2 sẽ có. "Họ nói với tôi ít nhất là từ 4,2 - 8 triệu liều", Phó Thủ tướng cho hay.
Về nguồn vắc-xin mua, ông Đam thông tin, Thủ tướng đã có văn bản cho chủ trương mua của một hãng cùng với hãng Liên hợp quốc cung cấp. Cuối tháng 2 sẽ có 4 triệu liều và sẽ lên kế hoạch tiêm dần dần.
Nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng nhìn nhận, vấn đề chiến lược hiện nay là làm thế nào có đủ vắc-xin.
Theo ông Bình, Thủ tướng đã có chỉ đạo khuyến khích, tạo mọi điều kiện để sản xuất vắc-xin trong nước và hiện có một số DN đề xuất. Còn nguồn của tổ chức Y tế thế giới cung cấp nhưng số lượng không lớn. Vì vậy cần phải tính đến nguồn vắc-xin mua.
"Vấn đề đặt ra cho chúng ta là mở rộng nguồn từ nhiều hãng khác. Có một số chuyên gia đề nghị xem nguồn của Nga, vắc-xin của họ tương đối tốt, giá cả phải chăng. Chúng ta phải nghĩ đến nhiều nguồn để tính toán, nhất là khuyến khích sản xuất trong nước lâu dài", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, cần nghiên cứu phát huy sức mạnh các thành phần kinh tế trong việc tìm các nguồn vắc-xin. Các địa phương có thể chủ động mua vắc-xin nếu đủ điều kiện và DN có thể nhập vắc-xin thì nhà nước tạo điều kiện và có kiểm soát để có lượng vắc-xin đủ đáp ứng nhu cầu.
"Làm sao nhanh có vắc-xin không để Việt Nam thành vùng trũng. Vì vậy cần tính toàn từ nguồn của nhà nước và xã hội hóa có kiểm soát trong việc mua vắc-xin", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Kết luận về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục khẩn trương chỉ đạo nhập khẩu vắc-xin, sớm đưa về Việt Nam phục vụ người dân và thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu trong nước.
"Nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Trong tháng 2 phải có vắc-xin từ nguồn viện trợ của Liên hợp quốc và nguồn mua, đồng thời đẩy mạnh sản xuất trong nước", Thủ tướng nhấn mạnh. Người đứng đầu Chính phủ đồng ý cho Bộ trưởng Y tế xem xét quyết định lựa chọn phương án, đối tác, loại vắc-xin; phối hợp Bộ Tài chính đề xuất nguồn tài chính; xác định đối tượng ưu tiên. Bộ Y tế quyết định sớm để có vắc-xin ở Việt Nam với các nguồn khác nhau. "Nhiều địa phương doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp kinh phí để mua vắc-xin nhưng phương án cuối cùng phải được duyệt, đến ngày 6 Tết phải trình phương án như chủ trương Chính phủ đã đồng ý", Thủ tướng nói.
Theo Thu Hằng (VietNamNet)