5 người mang án oan suốt 34 năm: Người qua đời với oan khuất trên lưng, người được giải án đúng lúc mắc ung thư giai đoạn cuối

15/11/2021 10:49:40

Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) vừa tổ chức buổi công khai xin lỗi, cải chính đối với 5 người mang án oan ở Quảng Bình trong một vụ án trộm cắp tài sản xảy ra cách đây 34 năm.

Theo thông tin từ báo Thanh Niên, vào ngày 12/11, tại trụ sở UBND xã Liên Trạch, TAND H. Bố Trạch (Quảng Bình) đã tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai để phục hồi nhân phẩm, danh dự cho 5 người mang án oan trong vụ án trộm cắp. 

5 người gồm các ông: Đinh Xuân Hồ (60 tuổi), Hoàng Trọng Lưu (66 tuổi), Đinh Xuân Kỳ (66 tuổi), Trần Văn Ổn (67 tuổi); riêng ông Đinh Xuân Tạo (sinh năm 1927) đã mất.

5 người mang án oan suốt 34 năm: Người qua đời với oan khuất trên lưng, người được giải án đúng lúc mắc ung thư giai đoạn cuối
4 người bị án oan hiện còn sống đã được công khai xin lỗi (Ảnh: N.Đ)

Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Đinh Xuân Kỳ (SN 1955, ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) xúc động nhớ lại hành trình đi kêu oan: "Trong vụ án oan này, tôi 1 lần bị tuyên phạt 18 tháng tù giam và 1 lần 24 tháng tù giam. Hơn 34 năm mang oan sai, nhiều lần làm đơn cầu cứu, có lúc rơi vào tuyệt vọng, nhưng đến hôm nay tôi đã nhận được lời cải chính, xin lỗi".

"Tôi đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, không biết sẽ chết lúc nào, nhưng được giải oan và nhận được lời xin lỗi tôi vui lắm. Gần cuối đời, danh dự của tôi đã được trả lại" - ông Kỳ nói.

5 người mang án oan suốt 34 năm: Người qua đời với oan khuất trên lưng, người được giải án đúng lúc mắc ung thư giai đoạn cuối - 1
4 người trong vụ án oan ở xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được giải oan vì đã nhận được lời cải chính, xin lỗi sau 34 năm (Ảnh: Trần Anh/Dân Việt)

Cũng nhận mức án như ông Kỳ sau 2 lần xét xử, ông Trần Văn Ổn (SN 1954, ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho hay: "Vào thời điểm xảy ra sự việc, tôi đang ru con ngủ liền bị công an đến đọc lệnh bắt tạm giam. Từ đó, cuộc đời của tôi rơi vào bế tắc. Sau chuỗi ngày đằng đẵng cùng anh em chúng tôi kêu oan, đến nay tôi cũng được minh oan".

Tuy nhiên, báo Thanh Niên cho hay, ngoài việc công khai xin lỗi, phục hồi nhân phẩm, danh dự, 5 người mang án oan này không được bồi thường vật chất vì không đủ điều kiện về mặt giấy tờ, thủ tục theo quy định hiện hành. Chính điều này đã khiến những người trong cuộc cảm thấy bức xúc.

Cụ thể, trao đổi với PV Dân Việt, ông Ổn giãi bày: "Hơn 34 năm mang án oan, thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần rất lớn. Chúng tôi cần cơ quan chức năng có liên quan bồi thường cho chúng tôi".

Còn ông Hoàng Trọng Lưu (SN 1955, ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) thì tâm sự: "Vụ án oan năm 1987, tôi bị tuyên lần đầu 24 tháng tù giam, lần tiếp theo bị tuyên nặng hơn là 36 tháng tù giam. Hơn 34 năm kêu oan, cuộc đời tôi vất vả lắm, đi nhiều nơi để gửi đơn, mất mát về vật chất lẫn tinh thần vô cùng lớn".

"Khi được cải chính, xin lỗi, tôi rất sung sướng. Nhưng mong các cấp phải xem xét, đền bù vật chất để bù đắp cho bản thân những tháng ngày, tôi và gia đình sống trong nỗi oan ức, tủi nhục", ông Lưu thổ lộ.

Vụ án liên quan đến 5 người được báo Thanh Niên cho biết đã xảy ra vào năm 1987, khi kho nông sản của HTX mua bán xã Liên Trạch bị cắt khóa cửa lấy trộm 187kg lạc và 34kg tiêu hạt. Cơ quan CSĐT Công an H. Bố Trạch điều tra và kết luận 5 người này đã "trộm cắp tài sản XHCN".

Năm 1988, TAND H. Bố Trạch xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Đinh Xuân Hồ 36 tháng tù, ông Hoàng Trọng Lưu 24 tháng tù, 2 ông Trần Văn Ổn và ông Đinh Xuân Kỳ cùng chịu 18 tháng tù, ông Đinh Xuân Tạo bị cảnh cáo.

Sau đó, 4 người (trừ ông Đinh Xuân Tạo) viết đơn kháng cáo kêu oan. Năm 1989, TAND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) xét xử phúc thẩm và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu do không thu thập được chứng cứ đầy đủ mà chủ yếu dựa vào lời khai các bị cáo. Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo cũng không nhận tội và không có chứng cứ đối chiếu…

Năm 1990, TAND H. Bố Trạch mở phiên tòa sơ thẩm lần 2 và vẫn giữ nguyên tội danh "trộm cắp tài sản XHCN" đối với 5 bị cáo, đồng thời tăng mức án nặng hơn. Các bị cáo tiếp tục kêu oan, viết đơn kháng cáo.

HĐXX phúc thẩm đã rút hồ sơ giao cho Viện KSND tỉnh, Công an tỉnh điều tra bổ sung, truy tố, xét xử sơ thẩm ở cấp tỉnh. Sau đó, tòa án cấp trên đã thụ lý và cũng quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm lần 2 của TAND H. Bố Trạch.

Lý do: Vụ án có tính chất phức tạp, một số hồ sơ, tài liệu bị thất lạc, không được lưu đầy đủ và có hệ thống; phần chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của một số bị cáo chưa vững chắc mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể bổ sung được.

Qua hơn 1 năm điều tra bổ sung nhưng không đủ cơ sở chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo, năm 1991, cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ vụ án.

Theo PV (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

Nổi bật