Thống kê của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đến 17h ngày 12-10 cho biết mưa lũ, sạt lở đất đã làm chết 46 người, mất tích 33 người và bị thương 30 người.
Nhà ông Lò Văn Quân (thôn bản Ngoa, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái) ngập đất, cát sau trận lũ quét - Ảnh : CHÍ TUỆ |
Trong số 46 người chết Hòa Bình có 19 người, Thanh Hóa 8 người, Nghệ An 6 người, Sơn La 6 người, Yên Bái 6 người, Quảng Trị 1 người.
Trong số 33 người mất tích Hòa Bình có 14, Yên Bái 12 người, Thanh Hóa 3 người, Sơn La 2 người, Nghệ An 1 người, Hà Nam 1 người.
Bên cạnh đó có 30 người bị thương ở: Yên Bái 10 người, Hòa Bình 8 người, Thái Bình 3 người, Nam Định 3 người, Sơn La 3 người, Hà Nam 2 người, Thanh Hóa 1 người.
Về tài sản, mưa lũ làm sập 317 nhà; hư hỏng, tốc mái 1.216 nhà; ngập 33.348 nhà; hư hại 83.862 ha hoa màu, thủy sản; sập 26 cầu ; chết 44.877 gia súc, gia cầm.
Các địa phương, cơ quan liên quan đã huy động 14.211 bộ đội, dân quân, lực lượng khác và 303 phương tiện khắc phục hậu quả. Kết quả đã di dời được 11.534 hộ, cứu được 10 người bị cô lập, gia cố được 1.200m đê, vận chuyển được 17 tấn gạo.
Về vụ 2 cán bộ của đồn Biên phòng Yên Khương, Thanh Hóa bị lũ cuốn trôi, mất tích lúc 18h45 ngày 10-10, trong ngày 12-10 lực lượng cứu nạn đã huy động 290 người tìm kiếm nhưng chưa có kết quả.
Ngày 12-10, Bộ Quốc phòng đã có công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, lũ, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ và khắc phục hậu quả.
Trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã thiết lập Sở chỉ huy phía trước ở Tân Lạc, Hòa Bình; Bộ tư lệnh Quân khu 4 thiết lập Sở chỉ huy phía trước ở TP Thanh Hóa; Bộ tư lệnh Thủ đô thiết lập Sở Chỉ huy phía trước Chương Mỹ để chỉ đạo kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ.
Theo Tuấn Phùng - Chung Thủy (Tuổi Trẻ)