45 tuổi tham gia BHXH vẫn chưa muộn
Chị Lê Thị Hà (43 tuổi, ở Bình Dương) từng làm công nhân ở nhà máy sản xuất thực phẩm tại quận Tân Bình, TP.HCM, được 10 năm. Năm 2008 khi gia đình chuyển về Bình Dương sinh sống, chị Hà đã rút BHXH một lần.
Sau khi nghỉ việc công ty và làm công việc tự do, thấy điều kiện kinh tế gia đình ổn định hơn, chị Hà muốn đóng BHXH tự nguyện để khi về già có lương hưu.
Tuy nhiên, điều chị Hà băn khoăn là tuổi của chị đã nhiều, không biết phải đóng BHXH bao nhiêu năm mới đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí.
“Qua tìm hiểu tôi được biết có thể tham gia BHXH tự nguyện, nhưng do nhiều tuổi nên tôi chỉ sợ đóng không kịp thời gian theo quy định để đến tuổi già có lương hưu”, chị Hà chia sẻ.
Theo BHXH Việt Nam, Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025 quy định, mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng của người tham gia bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn.
Khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể là: Bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.
Trong trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Về điều kiện hưởng lương hưu, BHXH Việt Nam cho biết, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo đó, từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ tăng 4 tháng mỗi năm, nam tăng 3 tháng mỗi năm cho đến năm 2035 tuổi nghỉ hưu của nữ tăng lên 60, nam tăng lên 62.
Điều đáng nói, theo Luật BHXH hiện hành, người về hưu phải có ít nhất 20 năm đóng BHXH, nhưng kể từ 1/7/2025 khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực, điều kiện người đủ tuổi về hưu chỉ cần đóng đủ 15 năm BHXH là được hưởng lương hưu.
Như vậy, cũng như BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện khi 45 tuổi tham gia đóng BHXH thì vẫn đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Ngoài ra, khác với BHXH bắt buộc phải đóng hằng tháng, người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn một trong các phương thức sau: đóng hằng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần và đóng một lần cho nhiều năm về sau (nhưng không quá 5 năm một lần).
Mức lương phụ thuộc mức đóng, thời gian đóng
Về mức lương hưu hằng tháng, đại diện Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, dựa trên mức đóng, lương hưu hằng tháng của lao động nữ được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho 15 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm 1 năm được tính 2% cho đến khi đạt mức tối đa bằng 75%.
Với lao động nam đủ tuổi nghỉ hưu, đóng BHXH 15 năm, lương hưu có tỉ lệ bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Sau đó, mỗi năm đóng thêm được cộng 1%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỉ lệ hưởng lương hưu là 45%, tính thêm 2%/năm đóng cho đến khi hưởng tối đa 75%.
Như vậy, cùng đóng 15 năm BHXH, lao động nam hưởng lương hưu với tỉ lệ 40% trong khi nữ là 45%.
Theo đánh giá của các chuyên gia lao động và tiền lương, tuy lao động nam có tỷ lệ hưởng lương hưu thấp hơn nữ khi cùng đóng BHXH 15 năm, nhưng việc giảm thời đóng 5 năm (15 năm so với 20 năm theo Luật BHXH hiện hành) sẽ giúp người lao động, nhất là lao động tự do có cơ hội hưởng lương hưu hằng tháng. Mức lương hưu còn được điều chỉnh theo chỉ số trượt giá tiêu dùng.
Khi đã hưởng lương hưu, người lao động sẽ được Quỹ BHXH đóng BHYT, góp phần đảm bảo cuộc sống tốt hơn khi về già.
Như vậy, lương hưu hằng tháng cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào thu nhập tháng đóng, thời gian đóng BHXH mà người tham gia lựa chọn.
Theo Vũ Điệp (VietNamNet)