Ngày hôm qua (26/12), rất nhiều người đã cùng nhau về lại Đài tưởng niệm Khâm Thiên để dâng hương tưởng nhớ 287 người dân phố Khâm Thiên không may nằm xuống.
Tròn 45 năm về trước, ngày 26/12/1972, 30 máy bay B52 của quân đội Mỹ đã ngày đêm ném bom xuống đường phố Khâm Thiên, con phố đông đúc của trung tâm Hà Nội thời bấy giờ.
Với sức tàn phá khủng khiếp, bom đạn Mỹ đã san phẳng hầu hết các công trình công cộng và nhà ở. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, tất cả đều biến thành gạch vụn.
Trận ném bom ấy đã khiến 278 người dân, trong đó có 94 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em vĩnh viễn ra đi. Trong khi đó, 290 người bị thương, 178 cháu nhỏ thành trẻ mồ côi.
Nỗi đau của người chồng mất vợ sau 2 ngày cưới
45 năm trôi qua thế nhưng nỗi đau, những ký ức kinh hoàng vẫn in sâu trong tâm trí của mỗi người dân Thủ đô. Ngày hôm nay, biết bao ánh mặt đượm buồn, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má của những người ở lại khi đứng trước di ảnh người đã khuất.
Con ngõ Hồ Dài nằm đầu phố Khâm Thiên từng là một trong những địa điểm bị bom của quân đội Mỹ san phẳng, hàng trăm người dân sinh sống tại đây không may mắn trúng phải bom và vĩnh viễn ra đi.
Người dân nơi đây không thể nào quên được hình ảnh ông Đặng Đình Lễ người đầy máu gào khóc tìm vợ trong đống đổ nát, tan hoang.
Ngồi lặng lẽ trong góc căn phòng nhỏ, ông Lễ chăm chú nhìn lại những hình ảnh về người vợ, về khu phố tan hoang sau khi bị quân đội Mỹ ném bom.
Gợi nhớ lại ký ức kinh hoàng ấy, ông Lễ kể, thời điểm Mỹ ném bom xuống phố Khâm Thiên ông tròn 23 tuổi, còn người vợ của ông tròn 20 tuổi. Cả hai người là bạn học cùng cấp 2, đem lòng yêu mến nhau.
Đúng ngày 24/12/1972 ông và vợ tổ chức đám cưới tại công ty cơ khí trên đường Khâm Thiên, nơi ông làm việc thời bấy giờ.
Thế nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang, chỉ vừa cưới được 2 ngày, chuyện không may đã ập đến gia đình ông.
Vào đúng 9h36 sáng 26/12/1972, máy bay B52 của Mỹ ném bom vào phố Khâm Thiên, nơi ông đang sống.
Lúc này, vợ chồng ông cùng hàng xóm chạy nhanh vào hầm dưới lòng đất ngay cạnh nhà. Do quá nhiều người chen lấn nên ông vào sâu trong hầm, còn vợ ông ở giữa hầm.
"Thời điểm đó, trong căn hầm nhỏ có khoảng 80 người trú ẩn, một lúc sau 2 quả bom 50kg rơi vào đầu hầm và giữa hầm khiến căn hầm đổ sập, rất nhiều người chết. Tôi may mắn nằm cuối hầm nên chỉ bị thương nhẹ.
Lúc đó cố đẩy từng xác người nằm trong hầm để chen ra ngoài, người tôi dính đầy máu, nhìn cảnh tượng tan hoang, người nằm xuống, tôi sợ vô cùng. Tôi vội vàng đi tìm vợ, lật từng đống gạch đá nhưng không thấy đâu", ông Lễ kể lại.
Nghe tin vợ được đưa đến bệnh viện, ông vội vàng chạy đến viện Bạch Mai nhưng không thấy, lại chạy lên viện Việt Đức, lúc này họ thông báo vợ ông đang điều trị ở đây.
Chạy đến nơi vợ tôi đang nằm, nhìn người đầy máu, cánh tay bị thương, người bị mảnh bom găm vào, tôi không kiềm được giọt nước mắt.
Tưởng rằng vợ chỉ bị thương nhẹ, ngay lúc sau bác sỹ vào thông báo rằng họ đã cố gắng nhưng không thể, họ đã cố hết sức để tôi đến nhìn mặt vợ lần cuối. Tôi gục ngã, thất thần trước nỗi đau quá lớn", ông Lễ kể trong nước mắt.
Nỗi đau mất vợ đã theo người đàn ông này suốt 45 năm qua, cho đến tận bây giờ ông vẫn nhớ như in những hình ảnh đó, nhớ từng nơi mà người hàng xóm của mình đã ngã xuống.
Hình ảnh về vợ và những năm tháng ấy đã được người đàn ông cất giấu trong tim, trong những tấm ảnh đen trắng nằm gọn trong cuốn sổ tay đã ngả màu theo năm tháng.
"Chiến tranh mà, mất mát là điều không thể tránh khỏi, rơi vào ai thì phải chịu thôi cháu à. Điều quan trọng là mình đứng dậy, vượt qua nó hướng về tương lai, làm những điều tốt đẹp hơn cho cuộc đời", ông Lễ chia sẻ.
"Cho đến tận bây giờ, tiếng gào khóc vẫn còn ám ảnh tôi trong mỗi giấc ngủ"
Cũng là người sinh sống ở phố Khâm Thiên, bà Trần Thị Mỹ (SN 1939) may mắn hơn những người đã nằm xuống khi vẫn sống sót. Trong tâm trí người phụ nữ này, hình ảnh về trận ném bom của Mỹ xuống nơi đây vẫn còn nguyên vẹn, tưởng chừng như nó vừa mới xảy ra hôm qua.
Bà kể, sau khi máy bay B52 của Mỹ thả bom vào ga Hàng Cỏ đêm 21/12, phố Khâm Thiên được lệnh phải sơ tán ngay. Tin sơ tán khẩn cấp phát đi, rất nhiều hàng xóm của bà đã bỏ lại nhà cửa tài sản đi tìm nơi trú ẩn.
Gia đình bà cũng vậy, nỗi sợ hãi khiến bà chẳng kịp làm gì, chỉ vơ vội vài bộ áo quần rồi bế con nhỏ chạy về quê ngoại ở thành phố Phủ Lý (Hà Nam).
"Lúc đầu tôi không muốn đi khỏi nhà nhưng rồi vì quá sợ nên cũng phải đi. Đến chiều 26/12, tôi lo lắng cho nhà mình quá nên lên Hà Nội, lúc đó mọi người trong nhà đều cản nhưng tôi vẫn đi.
Lên đến nơi cũng là lúc trời sẩm tối, tôi không được vào trong phố mà chỉ được ở khu phía ngoài. Tối hôm đó, máy bay của Mỹ vẫn đến để quấy phá, tôi nằm trong hầm cố nhìn ra ngoài thấy pháo của ta bắn tung tóe lên trời, tiếng pháo nổ vang lên khiến ai nấy đều hoảng sợ", bà Mỹ kể.
Bà nói tiếp, sáng 27/12 bà mới ra khỏi hầm và nhìn thấy phố Khâm Thiên, lúc này đã trở thành đống đổ nát, tất cả bị san phẳng. Trở về ngôi nhà tranh của mình nằm giữa đống đổ nát không con nguyên vẹn, đồ đạc đã hư hỏng.
"Nếu lần đó tôi không sơ tán chắc cũng không còn sống được, giống như người bạn thân đã ra đi của tôi. Hôm đó về nhà, nhớ đến người bạn của tôi ngay nhà cạnh bên, làm cùng công ty, tôi chạy sang tìm thì không thấy đâu. Mấy ngày sau thi thể của bà ấy được tìm thấy, nhưng đã không còn nguyên vẹn. Sau lần chào hỏi nhau vội vã trước lúc chạy đi sơ tán, mãi mãi tôi không còn được thấy bà ấy.
Cho đến tận bây giờ, tiếng người gào khóc tìm người thân, hình ảnh dân quân tự vệ đưa thi thể người xấu số ra khỏi hiện trường, tất cả còn ám ảnh tôi trong mỗi giấc ngủ", bà Mỹ kể.
Theo Ngọc Thắng (Thời Đại)