43 lao động kêu cứu: Đề nghị cơ quan chức năng Nhật Bản can thiệp

18/03/2016 08:58:51

Hôm qua (17.3), sau khi chúng tôi đăng bài “43 lao động Việt Nam ở Nhật Bản kêu cứu: Giấc mơ thành ảo vọng”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - ông Lê Hải Bình - cho biết: “Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ đề nghị các cơ quan chức năng tại Nhật Bản can thiệp”...

Hôm qua (17.3), sau khi chúng tôi đăng bài “43 lao động Việt Nam ở Nhật Bản kêu cứu: Giấc mơ thành ảo vọng”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - ông Lê Hải Bình - cho biết: “Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ đề nghị các cơ quan chức năng tại Nhật Bản can thiệp” về những thông tin mà chúng tôi đăng tải. Trong khi đó, chúng tôi tiếp tục nhận được lời cầu cứu xin giúp đỡ của những người lao động Việt Nam cũng ở Iwate (Nhật Bản).

Hôm qua, anh Nguyễn Văn Phong - một lao động ở Iwate - liên hệ trực tiếp với Báo Lao Động để nói về trường hợp của nhóm 4 người mà anh là thành viên. Anh Phong cho biết: “Tôi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp năm 2014 và làm một dự án khởi nghiệp thì được Trung tâm Hướng nghiệp việc làm thông báo có một đơn hàng kỹ sư sang Nhật làm nông nghiệp.
 
 
Nội dung đơn hàng là cần tuyển 4 kỹ sư nông nghiệp làm việc tại thành phố Moioka, tỉnh Iwate, được trợ cấp đào tạo 60.000 yen, lương thực lĩnh (sau khi đã trừ tiền nhà, bảo hiểm, điện nước, thuế) 3 tháng đầu là 140.000 yen, các tháng tiếp theo là 160.000 yen, tương đương 30 triệu đồng. Sau đó, chúng tôi được giới thiệu sang Cty cung ứng nhân lực Nosco có trụ sở 213 Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân, Hà Nội. Điều đáng nói là mức phí mỗi người đóng là 3.000 USD nhưng Cty chỉ ghi hóa đơn nhận 2.000 USD, còn 1.000 USD Cty thông báo là phí làm… giấy tờ”.

Anh Phong cho biết: “Hợp đồng làm việc ghi tiếng Nhật, lại do nhân viên phòng đối ngoại phiên dịch. Họ giải thích như trong đơn hàng, tức là lương thực lĩnh là 140.000 yen và 160.000 yen. Trước khi lên đường tôi có nhờ thầy giáo tiếng Nhật dịch hộ thì hóa ra hợp đồng có ghi con số đó thật nhưng “không trừ các khoản như ở, bảo hiểm…”. Tôi có khiếu nại nhưng họ nói là có nhầm lẫn và sẽ sửa chữa. Bất ngờ thứ hai là khi sang Nhật thì hoàn toàn không có khoản tiền 60.000 yen gọi là tiền hỗ trợ. Tiếp theo, khi đến Cty làm việc thì bọn tôi làm ở vùng núi của Iwate. Lương nhận được 140.000 yen nhưng bị trừ tới 50.000 yen các loại tiền như chỗ ở, điện nước nên chỉ còn 90.000 yen. Tôi có làm việc với một nhân viên phòng đối ngoại nhưng chỉ nhận được lời xin lỗi rồi chị này cũng lặn mất tăm”.

Về điều kiện làm việc, anh Phong cho biết là lao động ở đây khổ cực, 7h30 đã phải làm cho đến 18h hằng ngày, chỉ được nghỉ chủ nhật. “Nhưng đi làm bị chủ chửi bới, xúc phạm ép lúc nào cũng phải làm hùng hục, đi không được đi mà phải chạy. Người Nhật thì làm bình thường, họ chỉ bắt nạt người Việt. Về chỗ ở thì không đến mức chật như báo Lao Động phản ánh 43 người kêu cứu nhưng nhà vệ sinh cũng y hệt, thức ăn tự mua. Chúng tôi mong báo chí lên tiếng để được nhận đúng lương theo hợp đồng, phía Cty ở Việt Nam cũng từng hứa trả lại 1 phần tiền trong mức phí ban đầu nhưng hiện tại im lặng và chúng tôi không còn biết trông vào ai…” - anh Phong chia sẻ với Báo Lao Động.
 
Lao động Nguyễn Văn Phong tại Iwate Nhật Bản (ảnh do NLĐ cung cấp).
 
Bộ Ngoại giao vào cuộc
 
Xung quanh vụ 43 lao động Việt Nam ở Nhật Bản kêu cứu, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 17.3, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết, Ban Quản lý lao động Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã nhận được đơn đề nghị giúp đỡ của đại diện một số lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc. Đại diện của các lao động cho biết, sau khi đến Nhật Bản, một số lao động này phải làm việc trong môi trường độc hại, điều kiện sinh hoạt kém và không đảm bảo sức khỏe.
 
Sau khi nhận đơn phản ánh, Ban quản lý lao động đã làm việc ngay với phía đại diện Cty Nhật Bản, đề nghị phía Cty xem xét việc chủ sử dụng lao động đã thu các loại phí quá cao so với thực tế điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại đây. Ban quản lý lao động cũng đề nghị phía Cty phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cùng kiểm tra điều kiện sinh sống của lao động, gặp gỡ đại diện lao động để phối hợp giải quyết các vấn đề về quyền lợi, chế độ của người lao động, phù hợp với luật pháp Nhật Bản cũng như thực tế lao động tại địa phương.
 
“Trong trường hợp chủ lao động không đáp ứng các yêu cầu này, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ đề nghị các cơ quan chức năng tại Nhật Bản can thiệp. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đang theo dõi sát sao vụ việc, sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam” - ông Lê Hải Bình nói.
 
>> Kinh hãi điều kiện ăn ở của người lao động Việt Nam tại Nhật
 
Theo Anh Khoa - Phương Thúy (Lao Động)

Nổi bật