Xác nhận với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Tuyên- Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, tính đến trưa nay (6/5), địa phương này đã chi 100 tỷ đồng để trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 25 hộ dân bị ảnh hưởng của dự án xây dựng đường Vành đai 3.
Nhiều người dân đến Ban bồi thường GPMB huyện để nhận tiền bày tỏ sự hài lòng vì công tác chi trả nhanh, hồ sơ rõ ràng, minh bạch.
Theo ông Tuyên, toàn huyện Hóc Môn có 324 trường hợp bị ảnh hưởng, tổng kinh phí bồi thường dự kiến hơn 1.600 tỷ đồng. Những ngày qua, 4 tổ công tác trong Ban bồi thường huyện đã xuống 4 xã để vận động người dân bàn giao mặt bằng.
“Mức giá đền bù được địa phương xây dựng sát với giá thị trường nên tỷ lệ người dân đồng thuận cao. Hiện, 120 hộ dân đã đồng thuận nhận tiền bồi thường với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Địa phương sẽ tiếp tục xuống tận xã để vận động bà con với phương châm đồng thuận tới đâu, chi tới đó”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Lãnh đạo huyện Hóc Môn cho biết, dự kiến tới ngày 15/6, huyện sẽ cố gắng vận động người dân bàn giao mặt bằng đạt 80% nhằm đảm bảo tiến độ khởi công dự án Vành đai 3 theo yêu cầu của UBND TP.HCM.
Cũng trong sáng nay, huyện Củ Chi (TP.HCM) cũng đã chi trả tiền cho 15 trường hợp, dự kiến chiều cùng ngày sẽ chi tiếp cho 15-17 trường hợp, tổng số tiền chi bồi thường khoảng 86 tỷ đồng.
Được biết, toàn huyện Củ Chi có 418 trường hợp bị ảnh hưởng của dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34km (đoạn qua TP.HCM 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km). Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng.
Đoạn qua địa bàn TP.HCM gồm 4 địa phương là TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Diện tích đất chiếm dụng 397,3ha, số hộ bị ảnh hưởng khoảng 1.670 trường hợp.
Cuối tháng 4 vừa qua, UBND TP.HCM quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thuộc dự án.
Theo quyết định này, TP Thủ Đức là địa phương có mức giá bồi thường cao nhất. Với đất ở tại đô thị, giá đất đền bù gần 73,4 triệu đồng/m2 ở đường Nguyễn Duy Trinh (phường Trường Thạnh); đường Nguyễn Xiển (phường Trường Thạnh, Long Bình) xấp xỉ 70 triệu đồng/m2; thấp nhất là gần 22 triệu đồng/m2.
Sau TP Thủ Đức là huyện Bình Chánh, ghi nhận mức giá đất ở đường Trần Văn Giàu từ 14 - 42,6 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Hai huyện còn lại lần lượt là Hóc Môn và Củ Chi. Trong đó, huyện Hóc Môn với đất ở, giá đền bù cao nhất là đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Phan Văn Hớn đến giáp tỉnh Long An) với vị trí mặt tiền là 35,6 triệu đồng/m2; Quốc lộ 22 (đoạn từ ngã 4 Hồng Châu đến cầu An Hạ) có giá đền bù 33,1 triệu đồng/m2.
Tại huyện Củ Chi, giá đất ở đền bù ghi nhận cao nhất là 19,5 triệu đồng/m2 với vị trí mặt tiền đường Hà Duy Phiên; đường Võ Văn Bích có giá đền bù là 19,4 triệu đồng/m2; với Tỉnh lộ 15 đoạn từ cách chợ Tân Thạnh Đông 200m (hướng về huyện Hóc Môn) đến Cầu Xáng (ranh huyện Hóc Môn) có giá đền bù 19,1 triệu đồng/m2.
Theo Tuấn Kiệt (VietNamNet)