Theo PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, so với các biến thể trước, biến thể Delta thực sự rất đáng lo ngại, làn sóng Covid-19 thứ 4 là điển hình. Không riêng gì Việt Nam ngay cả các quốc gia khác như Ấn Độ, các nước Đông Nam Á khác cũng điêu đứng vì biến thể này.
PGS Dũng cho biết từ 1/10, TPHCM đã nới lỏng hơn các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Khi sống chung với Covid-19 phải có sự thích ứng an toàn, linh hoạt, đối phó có hiệu quả, đồng nghĩa khi có vụ dịch xảy ra, số ca mắc sẽ gia tăng.
Đến thời điểm hiện tại thì chúng ta đã tạm thời kiểm soát được. Sống chung với Covid-19 nhưng có thể còn có 4 kịch bản khác nhau.
Kịch bản thứ nhất: đây là kịch bản xấu nhất. Nếu chúng ta gặp biến thể mới gây bệnh nặng hơn biến thể Delta, việc tiêm vắc xin cũng không kiểm soát được tình hình dịch bệnh thì đây là tình trạng tồi tệ nhất giống như toàn bộ người dân chưa được tiêm vắc xin.
Kịch bản thứ 2: Vắc xin có hiệu lực nhưng tuân thủ của người dân không tốt, bệnh vẫn có khả năng lây lan. Tới ngưỡng dự báo quá tải hệ thống tháp điều trị 3 tầng thì sẽ phải đóng cửa trở lại, thực hiện biện pháp cách ly xã hội. Đây là biện pháp không ai mong muốn.
Kịch bản thứ 3: Chúng ta có mở cửa nhưng người dân đã tuân thủ ý thức, kiểm soát dịch 1 phần, tiêm chủng, phòng chống dịch tốt hơn, kiềm chế tỷ lệ mắc như hiện nay thì có thể mở cửa một phần. Trong bối cảnh thành phố vẫn có nguy cơ bùng phát dịch trở lại, các hoạt động bình thường hóa cần trong giới hạn kiểm soát, dần dần chứ không ồ ạt. Kịch bản này không phải là lý tưởng nhưng cũng tạm chấp nhận được.
Kịch bản thứ 4: Tỷ lệ tiêm đủ vắc xin 2 mũi gia tăng, người dân tham gia các hoạt động lao động sinh hoạt, lao động sản xuất, giải trí nhưng vẫn giữ được nguy cơ lây lan thấp, thành phố sẽ đạt đến mục tiêu giảm mạnh số ca mắc và tỷ lệ tử vong, sau đó trở lại cuộc sống bình thường mới. Tuy nhiên, để đạt bối cảnh này, PGS Dũng cho rằng cần ít nhất 5, 6 tháng nữa.
Khi mở cửa trở lại, PGS Dũng cho rằng chúng ta cần phải giám sát dịch tễ thật là tốt. Từ số lượng ca mắc, hệ số lây truyền thực tế (Rt) tại thành phố vào ngày 20/8 ở mức khá cao (Rt bằng khoảng 1,35-1,15), sau đó, đến ngày 4 và 5/9, hệ số Rt bắt đầu có xu hướng giảm xuống 1. Đến nay, các nhà dịch tễ học ước tính chỉ số Rt ở TP.HCM chỉ còn 0,88. Như vậy, số ca mắc tại thành phố đã có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, khi mở cửa trở lại thì số ca mắc có thể sẽ tăng lên.
Trong toàn bộ 4 kịch bản trên, PGS Dũng nhấn mạnh là người dân có vai trò quan trọng nhất. Họ là chủ thể của tất cả hành động, can thiệp y tế. Chúng ta sống chung với virus nhưng không được chủ quan, lơ là.
Việc nới lỏng sẽ thực hiện theo lộ trình, ưu tiên phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh với tiêu chí an toàn tới đâu, nới lỏng tới đó. Để trở lại cuộc sống bình thường mới, mỗi người chúng ta cần cảnh giác, tuân thủ các biện pháp chung sống an toàn với Covid-19. Bất cứ sự mất cảnh giác nào đều có nguy cơ làm bùng phát dịch, gây ảnh hưởng đến lộ trình phục hồi kinh tế, phục hồi các hoạt động xã hội.
Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)