Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam đã đến kiểm tra 4 cây trồng mới này và khẳng định đây là cây Mỡ
Trong khi toàn bộ công việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố Hà Nội vừa qua đều được thực hiện vào ban ngày, thì không hiểu vì lý do gì, các đơn vị chức năng bỗng dưng thay thế 4 cây mới trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, đoạn trước khách sạn Bảo Sơn, bằng các cây lớn hơn, cành lá xum xuê vào ban đêm.
Theo các chuyên gia, 4 cây được thay thế này vẫn là cây Mỡ, không phải Vàng tâm.
Chỉ sau đêm 22/3, 4 cây mới trồng đoạn trước khách sạn Bảo Sơn, đường Nguyễn Chí Thanh vốn chỉ như cành củi khô, trụi lá bỗng dưng trở nên xanh tốt, cành lá um tùm, thậm chí có cả hoa.
Điều này khiến nhiều người dân sống ở gần đây không khỏi bất ngờ: “Chiều 22 lúc 18h tôi về vẫn còn nguyên cây khô, không có lá, thế mà sáng ngày 23, lúc 6h tôi sang đã mọc cây to này lên rồi. Không biết thế nào, tôi rất là ngạc nhiên, mà tôi nhìn thì chỉ có 1 cây ở đây với 3 cây ở khách sạn Bảo Sơn là 4”
Trả lời báo chí, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cây xanh Hà Nội cho biết, 4 cây thay thế ở đường Nguyễn Chí Thanh vừa trồng lại vào ngày 22/3 và là 4 cây vàng tâm trưởng thành có tán rộng, nụ hoa, lá xanh tốt, được nhà tài trợ trồng làm mẫu vì các cây cũ còn nhỏ và yếu. Cây trồng thay thế đều do các nhà tài trợ lựa chọn mua về. Không hiểu vì lý do gì mà công việc thay thế 4 cây xanh này lại phải tiến hành vào ban đêm, trong khi việc chặt hạ cũng như trồng mới hàng trăm cây trước đó đều diễn ra công khai ban ngày? Dù việc thay 4 cây mới được cho là cây Vàng tâm này để làm mẫu, hay là vì mục đích gì khác, thì cách làm vào ban đêm lại một lần nữa thiếu thuyết phục, gây ra sự khó hiểu cho dư luận.
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam đã đến kiểm tra 4 cây trồng mới này và khẳng định đây là cây Mỡ, vẫn giống với hàng trăm cây đã trồng trước đó. Cây Mỡ dùng để làm giấy, thích hợp trồng ở vùng trung du miền núi, với độ cao từ 300-400m so với mực nước biển, chứ không phải cây Vàng tâm quý hiếm trong sách đỏ.
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hiệp nhận định, dù là cây Mỡ hay cây Vàng tâm vẫn khó thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Hà Nội: “Dù Mỡ hay Vàng Tâm, với điều kiện sinh thái như ở Hà Nội, trồng ở đất màu, trog khi nhiệt độ Hà Nội có lúc mùa hè trên 40 độ, tôi nghi ngờ về khả năng sống sót, sinh trưởng, phát triển của cây Mỡ. Nếu có muốn chăng thì trồng thử đi, tại sao Hà Nội không trồng thử một số cây ở khu vực vườn ươm ở Cầu Diễn, hay ở Láng – Hòa Lạc, sau vài ba năm khẳng định nó tốt rồi thì mới đem về trồng thay thế.”
Theo Lưu Huyền (Vov.vn)