Cấu trúc quần xã sinh vật, mẫu hóa sinh, môi trường... từ vùng biển Quảng Trị đến Bình Thuận được các nhà khoa học hai nước thu thập hơn một tháng ở độ sâu 400 m.
35 nhà khoa học Việt Nam - Nga khảo sát biển miền Trung. Ảnh: VAST |
Chiều 22/12, tại Khánh Hòa, 35 nhà khoa học của Việt Nam - Nga đã thảo luận kết quả chuyến nghiên cứu vùng biển miền Trung trên tàu "Viện sĩ Oparin".
Đây là chuyến khảo sát lần 5 do Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) cùng Phân viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm khoa học Nga (FEBRAS) phối hợp thực hiện; mục đích để khám phá sự đa dạng sinh học, phân biệt các khoảng trống và chia sẻ những tiến bộ trong nghiên cứu khoa học về vùng biển giữa hai nước.
Tiến sĩ Hồ Văn Thệ - Trưởng phòng quản lý tổng hợp Viện Hải dương học - cho biết, hàng trăm mẫu vật là lớp giáp xác, nhuyễn, da gai, rong biển... và sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm tồn tại ở vùng biển sâu được các nhà khoa học lấy mẫu.
Các nhà khoa học thu thập và tìm hiểu các rạn san hô, khả năng tái tạo tự nhiên của san hô tạo rạn; sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm và hoạt chất sinh học trong động vật không xương sống... "Đa phần đều được khai thác, khảo sát ở độ sâu 400 m, kéo dài từ vùng biển Quảng Trị đến Bình Thuận, với những đặc tính thời tiết khác nhau, có khi rất khắc nghiệt, giông bão", tiến sĩ Thệ cho biết.
Các nhà khoa học khảo sát dưới lòng biển với độ sâu 400 m. Ảnh: VAST |
Tiến sĩ Thệ nhìn nhận, chuyến đi tuy chỉ hơn tháng song đoàn khảo sát phát hiện ở vùng biển Việt Nam rất đa dạng. "Chúng tôi sẽ sàng lọc để có đánh giá hoạt tính của một số hoạt chất sinh học trong động vật không xương sống để phục vụ cho nghiên cứu y - sinh - dược học", tiến sĩ Thệ nói.
Theo phó giáo sư Võ Sĩ Tuấn - Viện trưởng Hải dương học Nha Trang, đoàn khảo sát đã trực tiếp lấy mẫu nước, kiểm tra môi trường vùng biển tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế - hai tỉnh có hiện tượng cá chết hàng loạt. "Chúng tôi sẽ phân tích mẫu vật, nghiên cứu những tài liệu thu thập được khi đấy mới có kết quả chính xác", Viện trưởng Tuấn cho hay.
Các nhà khoa học Nga đều khẳng định vùng biển Việt Nam phong phú về sinh học và cấu trúc quần xã sinh vật... Họ mong muốn hai nước có nhiều sự hợp tác cùng nhau phân tích mẫu vật, nghiên cứu chuyên đề về khoa học, giúp Việt Nam phát triển khoa học - công nghệ và hứa hẹn đào tạo cán bộ nghiên cứu về biển cho Việt Nam.
Hàng trăm mẫu vật dưới lòng biển được nhà khoa học thu thập, nghiên cứu. Ảnh: VAST. |
Tàu Viện sĩ Oparin cùng các nhà khoa học Nga tiến hành nghiên cứu biển Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2005, vị trí khảo sát vịnh Vân Phong và vịnh Nha Trang (Khánh Hòa). Đến 2013, tàu này cùng các nhà khoa học trở lại Việt Nam lần thứ 4, khảo sát trên vùng biển Trường Sa.
Tàu nghiên cứu biển Viện sĩ Oparin của Viện Hàn lâm khoa học Nga dài 75,5 m, trọng tải 2.441 tấn. Tàu có thể đi biển dài ngày, đủ không gian cho 36 nhà khoa học với 5 phòng thí nghiệp và 30 thủy thủ đoàn. Oparin còn được trang bị nhiều thiết bị hiện đại giúp lặn ở vùng biển, thu mẫu ở vùng biển sâu.
Theo Xuân Ngọc (VnExpress.net)