Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (242), Bình Dương (46), Tiền Giang (9), Đồng Tháp (3), Khánh Hòa (3), Long An (3), Vĩnh Long (3), Bình Thuận (2), Sóc Trăng (2), Hà Nội (1), Bến Tre (1), Kiên Giang (1), Thừa Thiên Huế (1), Trà Vinh (1).
Như vậy tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 9.667 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Bộ Y tế cho biết thêm, theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.184 ca. Trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 3.223; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.082; Thở máy không xâm lấn: 85; Thở máy xâm lấn: 765 và chạy ECMO: 29.
Theo đại diện Tổ công tác Bộ Y tế hỗ trợ TP.Hồ Chí Minhtrong việc vận hành các Trạm Y tế lưu động thì đến hết ngày 25/8, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã thiết lập được 403 trạm y tế lưu động.
Các trạm y tế lưu động này kết hợp chặt chẽ với đội phản ứng nhanh của xã, phường để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị tại nhà. Các trạm cũng tham gia xét nghiệm COVID-19 bằng test nhanh kháng nguyên cho người dân. Mỗi phường thành lập từ 2-3 trạm y tế lưu động, tùy số lượng F0 trên địa bàn. Bất kể ngày hay đêm, khi có kết quả xét nghiệm phát hiện F0 thì các trạm y tế lưu động nắm bắt để hướng dẫn chăm sóc, tư vấn sức khỏe và góp phần to lớn cho việc giảm tải với các bệnh viện điều trị COVID-19.
Để chăm sóc F0 tại nhà, trạm y tế lưu động được trang bị đầy đủ bình ô xy cố định, bình di động, máy đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, test kit xét nghiệm nhanh và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác. Nhân lực ở trạm y tế lưu động có bác sĩ, y tá (hoặc điều dưỡng) và các tình nguyện viên.
Theo Hà Minh (Tiền Phong)