Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Người mắc bệnh bạch hầu gặp ở trẻ em < 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ.
Nguyên nhân hình thành bệnh là do vi khuẩn thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh).
Do đó, bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp. Ngoài ra vi khuẩn cũng truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh.
Như vậy, bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mắc bạch hầu. Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.
Ai có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh bạch hầu?
Bạch hầu là bệnh dễ bắt gặp ở mọi nhóm tuổi từ trẻ nhỏ đến người lớn chưa có kháng thể chống lại bệnh. Cụ thể:
- Trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên dần bị mất kháng thể phòng bạch hầu thụ động từ mẹ nên cũng là một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu, cần đi tiêm phòng sớm để phòng ngừa bệnh nguy hiểm này.
- Trẻ em dưới 15 tuổi cũng được đánh giá là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh do thường bỏ qua nhiều mũi nhắc quan trọng trong đời, rơi vào "khoảng trống miễn dịch". Điều này rất nguy hiểm bởi kháng thể trẻ nhận được do được tiêm vắc xin từ nhỏ theo thời gian đã giảm dần, không đủ để chống chọi lại bệnh bạch hầu nguy hiểm.
- Người già có nhiều bệnh nền mạn tính, biến chứng tim, thận,… hoặc người bệnh có sử dụng các phương tiện hỗ trợ trong cơ thể như thay tim nhân tạo, đặt shunt ở não thất, đặt catheter ở tĩnh mạch…
- Người đã nhiễm bệnh bạch hầu sẽ có miễn dịch cả đời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bị suy giảm miễn dịch sẽ có tỷ lệ tái nhiễm bệnh vào khoảng 2 – 5%.
Hiệu quả vắc xin bạch hầu đạt khoảng 97%, miễn dịch có hiệu quả lên đến 10 năm và sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, nếu không tiêm mũi vắc xin nhắc lại sau mỗi 10 năm vẫn có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu.
Ai nên tiêm vaccine bạch hầu càng sớm càng tốt?
Tiêm ngừa vaccine là biện pháp vô cùng cần thiết để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu một cách hiệu quả.
Các đối tượng tiêm vắc-xin bạch hầu cần được ưu tiên bao gồm:
Tiêm bạch hầu cho trẻ: Mọi trẻ em đều cần tiêm phòng bệnh bạch hầu. Hiện nay có trong thành phần vaccine phối hợp 6 trong 1 (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, các bệnh do vi khuẩn Hib. Liệu trình tiêm gồm 3 mũi cơ bản, các mũi tiêm cách nhau ít nhất một tháng bắt đầu từ lúc trẻ được 2 tháng tuổi, mũi thứ 4 được tiêm nhắc lại khi trẻ được 18 tháng tuổi. Việc tiêm này có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ sức khỏe trẻ.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: Tiêm phòng vaccine bạch hầu cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là biện pháp bảo vệ hiệu quả, vừa giúp bảo vệ người mẹ, vừa giúp bảo vệ trẻ giai đoạn sớm nhờ lượng kháng thể người mẹ truyền qua. Vaccine 3 trong 1 được sản xuất từ độc tố bạch hầu bất hoạt, độc tố uốn ván giảm độc lực và vô bào ho gà. Vaccine này không ảnh hưởng đến thai nhi. Vaccine được khuyến cáo tiêm khoảng 27 - 36 tuần tuổi thai để bé được bảo vệ trong thời gian đầu sau sinh.Nếu thai phụ được tiêm trước tuần 27 không cần tiêm lại trong khoảng 27 - 36 tuần.
Người lớn tuổi và người chưa tiêm vaccine cũng là đối tượng cần tiêm vaccine bạch hầu. Do sau khi tiêm, miễn dịch bảo vệ thường kéo dài khoảng 10 năm, sau đó giảm dần theo thời gian. Nếu không được tiêm nhắc lại vẫn có thể bị mắc bệnh.
Theo Nam An (Nguoiduatin.vn)