Căn cứ vào tình trạng điều trị và tiên lượng điều trị, các chuyên gia đánh giá, có những bệnh nhân tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào.
Đơn cử, bệnh nhân 577, (73 tuổi), chuyển từ Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng về Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang ngày 1/8. Bệnh nhân chẩn đoán viêm phổi COVID-19, suy thận mạn, suy tim, tăng huyết áp tình trạng hiện nay đang thở máy, phù toàn thân rất nhiều.
Hoặc bệnh nhân 431, 55 tuổi, nhập viện Bệnh viện Đà Nẵng ngày 26/7, chuyển Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế 30/7. Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn. Đến nay, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, COVID-19, suy thận mạn. Hiện tại bệnh hôn mê, thở máy, xuất huyết tiêu hoá.
Hiện có 4 bệnh nhân phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) gồm bệnh nhân 582, 416 (đều ở Bệnh viện Đà Nẵng), 436 và 430 (Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế cơ sở 2). Các chuyên gia hàng đầu của Hội đồng chuyên môn, Tiểu Ban điều trị liên tục hội chẩn toàn quốc, cập nhật thông tin mới nhất và tìm ra phương án điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân, hạn chế tối đa bệnh nhân tử vong.
Trong đợt dịch lần này, điểm đáng chú ý là nhiều bệnh nhân là người cao tuổi (có bệnh nhân 100 tuổi), có nhiều bệnh lý nền phức tạp, điều trị ở các khoa như Hồi sức tích cực, cấp cứu, thận nhân tạo, tim mạch, ung thư...
Tất cả các bệnh nhân tử vong đều có tiền sử bệnh tật rất nặng. Trước khi mắc COVID-19, họ đã có thời gian dài duy trì sự sống dựa vào máy móc và thuốc, nhiều người suy thận mạn tính, phải chạy thận nhân tạo, kèm theo một loạt bệnh nặng khác.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hội sức cấp cứu Việt Nam khẳng định: COVID-19 chỉ là giọt nước tràn ly, bệnh nhân tử vong là "bất khả kháng".
Theo Quảng An (Tiền Phong)