Câu chuyện chị Ngọc Hiển (Thái Nguyên) nhận quà tri ân rồi bị lừa làm nhiệm vụ trên mạng hay chị H.T. (Nam Định) bị lừa mở gian hàng kinh doanh trên sàn TMĐT trực tuyến đã thu hút sự chú ý của cộng đồng thời gian qua. Cả 2 nạn nhân đều được chồng và gia đình thông cảm, động viên.
Nhưng chị T.K. (SN 1989, TP.HCM) thì không “may mắn” như vậy.
Khi bị lừa mất gần 1 tỷ đồng vì trò lừa đảo trên mạng, chị T.K. trở nên cùng quẫn và phải chịu đựng 1 mình khi chồng chị tuyên bố: “Ai làm người đó chịu, tôi không liên quan”.
Và người chồng đầu gối tay ấp gần 10 năm trời ấy hàng ngày không tiếc lời mạt sát chị. Anh ta để mặc chị xoay sở với khoản nợ hơn 1 tỷ đồng cùng gánh nặng cơm áo gạo tiền nuôi chồng và con, vì chính anh ta cũng thất nghiệp 2 tháng nay.
“Nhiều lúc em chỉ muốn làm sao để biến mất khỏi thế giới này, nhưng nhìn con còn nhỏ dại em lại không đành lòng”. Chị T.K. nghẹn ngào kể lại tình huống khiến chị 2 lần liên tiếp trở thành nạn nhân của trò lừa đảo trên mạng.
Phút cuối vẫn hy vọng lấy lại tiền vì "biết rõ danh tính kẻ lừa đảo"
Một ngày cuối tháng 10, chị K. lướt Facebook và bắt gặp một quảng cáo của nhãn hàng thời trang tri ân tặng quà cho khách hàng. Tò mò bấm vào, ngay lập tức chị nhận được tin nhắn phản hồi từ trang Facebook đó, hướng dẫn chị chọn 1 mẫu áo dài yêu thích để được nhận miễn phí.
“Sau đó, nhân viên của hãng hướng dẫn em bấm theo dõi kênh Youtube để tăng tương tác cho họ. Họ còn cảm ơn và tặng lì xì trị giá 30.000đ, em nhận được tiền luôn về tài khoản. Mới đầu em cũng bán tin bán nghi. Họ liền gửi em tên công ty, mã số thuế, địa chỉ trụ sở tại Hà Nội. Tài khoản là công ty TNHH TMDV Thời trang Việt Nam nên em mới tin là thật, vì nếu lừa đảo thì tài khoản không thể là tên công ty được”, chị K. khẳng định.
Ngay thời điểm nói chuyện với phóng viên VietNamNet, chị K. vẫn hy vọng người xưng là giám đốc kinh doanh, kế toán, nhân viên tư vấn... trao đổi với chị thời gian qua là thuộc công ty thời trang nọ.
Sập bẫy lần 1
Và chính từ đây, với lời lẽ “thao túng tâm lý” và kịch bản hoản hảo, các đối tượng lừa đảo dẫn dắt chị T.K. tham gia vào nhóm zalo để tham gia “Sự kiện phúc lợi” của công ty thời trang.
Chỉ với 250.000đ là điều kiện để được tham gia sự kiện này, chị K. và 2 người “may mắn” khác cùng nhau làm các nhiệm vụ nạp tiền và chờ được tiền hoàn về tài khoản cùng 30% hoa hồng.
Cũng tương tự các kịch bản lừa đảo làm nhiệm vụ trên mạng khác, hết lần này tới lần khác với rất nhiều lý do như không đúng lệnh, không khớp mã, lỗi hệ thống,… chị K. bị dẫn dắt và nạp số tiền ngày một lớn.
Vì số tiền phải nộp vào mỗi lần vượt khả năng tài chính của một nhân viên văn phòng, chị K. chạy vạy đi vay bạn bè, vay nóng với lãi suất cao vì hy vọng sẽ sớm được hoàn tiền.
“Hai người cùng nhóm đã xong nhiệm vụ, nhận được tiền và rời nhóm. Vì thế, em phải chạy vạy nộp thêm 10% thuế VAT (hơn 70 triệu đồng) và 13% phí lưu hồ sơ (hơn 101 triệu). Tưởng là xong, ai dè chúng bảo em phải nạp thêm 12% phí thường niên nữa”.
Tổng số tiền chị đã nạp cho nhóm lừa đảo trên mạng lên tới hơn 700 triệu đồng. Lúc này, không thể xoay thêm tiền để nạp vào tài khoản, chị K. xin nhóm tư vấn cho khất.
“Em gọi điện trực tiếp cho người xưng là giám đốc kinh doanh của công ty thời trang kia. Họ vẫn khẳng định sẽ hoàn tiền 100% cùng với 30% hoa hồng nếu em hoàn thành. Họ cho em địa chỉ, số điện thoại di động và hẹn em tới trực tiếp trụ sở công ty ở Hà Nội để được nhận lại tiền”, chị K. nói.
Sập bẫy lần 2
Đang hy vọng tiền của mình đang ở trong tài khoản của công ty thời trang kia, chị K. lại nhìn thấy một bài quảng cáo khác trên Facebook của một công ty luật. Công ty này cam kết lấy lại 100% hỗ trợ lấy lại tiền bị treo trên tất cả các nền tảng online.
Như người sắp chết đuối vớ được cọc, chị K. trút bầu tâm sự với người xưng tên là luật sư của công ty luật.
“Anh luật sư tên Cao Trọng Nguyên động viên, an ủi em rất nhiều. Rồi anh ta đề nghị em cung cấp thông tin cụ thể để xác minh”, chị K. kể.
Sau đó, người này gửi lại cho chị K. một bảng chụp ảnh phần mềm thể hiện số tiền hơn 500 triệu đang bị “treo” và nói rằng bộ phận giải ngân sẽ hỗ trợ chị K. lấy lại tiền, chị chỉ phải trả phí là 5% tổng số tiền thu hồi được.
Một người bên bộ phận giải ngân đưa chị K. vào nhóm có 3 người khác cũng là nạn nhân tương tự như chị.
Để được giải ngân, chị K. phải nộp 7,6 triệu đồng để làm thủ tục, sau đó nạp thêm 12 triệu để xác minh tài khoản.
Cứ thế, chị K. lại bị cuốn vào vòng xoáy nạp tiền, sai lệnh và nạp tiền. Số tiền lần sau tăng hơn lần trước. Tổng cộng chị đã nộp cho những người ở “công ty luật” gần 120 triệu.
Vì nạp tiền sai lệnh nhiều lần nên “hệ thống không tín nhiệm”, chị phải nộp thêm tiền để được tín nhiệm và giải ngân.
Không còn khả năng vay thêm tiền ở bất cứ nguồn nào, chị K. xin được bảo lưu hồ sơ.
Người bị mạo danh kêu trời
Không chỉ nạn nhân bị mất tiền do các đối tượng lừa đảo trên mạng lâm vào đường cùng vì nợ nần. Những tổ chức, công ty, cá nhân bị mạo danh trên không gian mạng cũng chỉ biết than trời và cầu cứu các cơ quan chức năng.
Trao đổi với VietNamNet, anh Nguyễn Tiến Hùng - Phó TGĐ công ty CP tập đoàn thời trang Melya.vn cho biết, 1 tháng gần đây, công ty anh liên tục nhận được phản ánh từ khách hàng về việc một số trang fanpage giả mạo Melya để chiếm đoạt tiền.
“Trên các kênh fanpage có tích xanh và website chính thức của công ty, chúng tôi liên tục cảnh báo khách hàng tránh bị đối tượng giả mạo lừa đảo. Đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi cũng liên tục cập nhật danh sách các trang giả mạo để gửi Facebook hỗ trợ report”.
Công ty luật TNHH Mai Sơn, một công ty luật còn non trẻ nhưng bị rất nhiều trang Facebook, website mạo danh trên không gian mạng khiến không ít nạn nhân bị rơi vào bẫy lừa lần thứ 2.
Từ tháng 8, công ty luật Mai Sơn đã phát hiện có nhiều trang Facebook mạo danh chạy quảng cáo thu hồi tiền treo trên các nền tảng. Dù công ty có thực hiện các biện pháp tuyên truyền trên fanpage, website… cũng không thể ngăn được số nạn nhân bị lừa mất tiền.
Luật sư Lê Hoàng Long, người đại diện pháp luật của công ty Luật Mai Sơn cho biết: “Chúng tôi phải dành nhiều thời gian để tư vấn và giải đáp cho những nạn nhân bị đối tượng mạo danh chúng tôi lừa tiền. Tôi thực sự rất đau lòng khi nửa đêm hay 3-4 giờ sáng nhận cuộc gọi của nạn nhân khóc than kể bị mất tiền”.
Luật sư Long khuyên nạn nhân bình tĩnh, đi trình báo công an. Và chính anh cũng làm hồ sơ tố giác tội phạm lên các cấp có thẩm quyền để được hỗ trợ bảo vệ uy tín và thương hiệu cho công ty luật của mình.
Theo Lam Giang (VietNamNet)