1.900 tỷ đồng xây nhà máy xử lý nước thải cho ba quận ở Sài Gòn

26/04/2015 17:38:46

Nhà máy Tham Lương - Bến Cát sẽ xử lý nước thải cho lưu vực rộng 2.058 ha gồm các quận Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh và 12, phục vụ khoảng 700.000 người.

Nhà máy Tham Lương - Bến Cát sẽ xử lý nước thải cho lưu vực rộng 2.058 ha gồm các quận Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh và 12, phục vụ khoảng 700.000 người.
Ngày 26/4, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín nhấn nút khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1) tại quận 12, với công suất 131.000 m3 mỗi ngày, xử lý nước thải cho lưu vực có diện tích hơn 2.000 ha. Công suất hai giai đoạn của Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát mỗi ngày sẽ là 250.000 m3.
 

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín nhấn nút khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát (giai đoạn một). Ảnh: T.S

 
Nhà máy được xây dựng để xử lý nước thải cho lưu vực có tổng diện tích 2.058 ha, bao gồm các quận Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh và quận 12, dân số phục vụ khoảng 700.000 người.

Dự án sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước trầm trọng của kênh Tham Lương, sông Vàm Thuật cũng như giảm lượng ô nhiễm đáng kể cho sông Sài Gòn. Các số liệu đo được cho thấy chỉ tiêu ô nhiễm đều vượt 5–20 lần tiêu chuẩn cho phép, thậm chí có chỉ tiêu vượt đến hàng trăm lần, ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục nghìn người dân ven bờ kênh trục và người dân sống xung quanh các cụm nhà máy trong vùng.

Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Đây là một trong 12 dự án được Thủ tướng phê duyệt đầu tư xây dựng từ nay cho đến năm 2025. Nhà máy là công trình cấp một, thiết kế đã được Bộ Xây dựng thẩm định, tổng mức đầu tư gần 1.870 tỷ đồng, diện tích chiếm đất khoảng 2,3 ha và thực hiện trong thời gian 19 tháng.
 
Phối cảnh nhà máy xử lý nước thải Bến Cát - Tham Lương. 
 
Theo chủ đầu tư, nhà máy sẽ áp dụng công nghệ bùn hoạt tính tuần hoàn SBR cải tiến. Đây là công nghệ hiện đại nhất cho các công trình dự án xử lý nước thải, áp dụng nhiều nhất cho các công trình xử lý nước thải quy mô lớn tại Việt Nam. Nhà máy có diện tích chiếm đất nhỏ và nước thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn loại A. Nhà máy được xây kín, xử lý mùi đáp ứng được khoảng cách theo quy định.

Đây là dự án thành phần nằm trong dự án "Tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên”, một trong 4 lưu vực thoát nước chính của TP HCM cùng với các lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé – Kênh Đôi – Tẻ, Tân Hóa – Lò Gốm.

Kênh Tham Lương - Bến Cát dài gần 33 km chảy qua 8 quận huyện và là một trong 5 hệ thống kênh lớn của TP HCM. Sau khi Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé được cải tạo xong, hệ thống kênh Tham Lương - Bến Cát thành điểm đen mới về ô nhiễm môi trường.
 
Theo báo cáo của UBND TP HCM về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011–2015, hiện thành phố có trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa công suất 30.000 m3 một ngày đêm (được đưa vào vận hành từ tháng 12/2005), xử lý nước thải thuộc lưu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm rộng 785 ha, nước thải sinh hoạt phát sinh của 120.000 người dân trong khu vực.
 
Trong khi đó, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với công suất 141.000 m3 một ngày đêm (mới hoàn thành giai đoạn một), xử lý nước thải lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, Kênh Đôi – Tẻ. Tổng công suất xử lý nước thải của các nhà máy hiện hữu là 171.000 m3, xử lý được khoảng 13% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn thành phố. TP HCM đang chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng 12 Nhà máy theo quy hoạch được duyệt để đạt mục tiêu tổng lượng nước thải được xử lý khoảng 3 triệu m3 một ngày.
 
>> Người dân ùn ùn rời Sài Gòn về quê nghỉ lễ
>> Truy tìm nóc nhà trực thăng Mỹ chạy khỏi Sài Gòn
 
Theo Trung Sơn (VnExpress.net)

Nổi bật